Huy động vốn trung và dài hạn:
Gặp khó vì vướng trần
(ANTĐ) - Đầu ra của ngân hàng đối với các khoản cho vay trung và dài hạn đã được tháo gỡ. Tuy nhiên, các ngân hàng vẫn khó khăn khi thu hút tiền gửi ở kỳ hạn dài vì vướng trần lãi suất huy động.
Doanh nghiệp phải cân đối lợi nhuận và chi phí khi quyết định vay vốn với lãi suất thỏa thuận (Ảnh minh họa) |
Khó “đua” lãi suất huy động
Giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, trong khi trần lãi suất cho vay đã được gỡ bỏ, các ngân hàng lại gặp khó khăn trong việc huy động vốn do vướng trần lãi suất huy động. Để huy động được vốn, nhiều ngân hàng đẩy lãi suất lên tới 10,49%/năm sát với mức trần ở tất cả các kỳ hạn. Đồng thời áp dụng nhiều hình thức khuyến mại, ưu đãi như cộng lãi suất, cộng tiền thưởng cho khách hàng gửi tiền.
Sẽ không thể có cuộc đua về lãi suất huy động vì đã kịch trần, tuy nhiên khó tránh khỏi tình trạng các ngân hàng đua khuyến mại để thu hút vốn. Một số ngân hàng cũng hướng sự quan tâm của người gửi tiền tới các kỳ hạn dài bằng việc giảm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn. Nếu trần lãi suất huy động được gỡ bỏ sẽ tạo thuận lợi cho ngân hàng hơn rất nhiều.
Theo ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện thanh khoản đang gặp khó khăn đối với cả nền kinh tế, ngân hàng và doanh nghiệp, vì vậy “khát vốn” là hiện tượng đương nhiên. Đối với các ngân hàng, mặc dù khó khăn trong việc huy động vốn nhưng trần huy động vẫn còn và khó xuất hiện cuộc đua khuyến mãi nhằm thu hút vốn. Hơn nữa, bản thân các ngân hàng cũng phải tính toán để cho vay ra. Đồng thời trong thời điểm này vai trò quản lý, giám sát của NHNN cũng sẽ khiến các ngân hàng khó “lách luật”.
Khơi thông nguồn vốn
Theo Thông tư số 07 do NHNN mới ban hành, các tổ chức tín dụng được phép cho vay bằng VND với lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung hạn và dài hạn. Các ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng. Bà Cao Thị Thúy Nga - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cho biết, các NHTM không thể cho vay lãi suất quá cao để chấp nhận rủi ro lớn. Bên cạnh đó, giữa các ngân hàng luôn có sự cạnh tranh, do đó ngân hàng phải xem xét để có mức lãi suất hợp lý nhằm thu hút và giữ chân khách hàng.
Ông Cao Sỹ Kiêm cho rằng, việc thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận đối với các khoản vay trung và dài hạn có 3 tác dụng tốt. Thứ nhất là đáp ứng vốn cho vay trung và dài hạn hiện nay đang rất khó khăn. Các doanh nghiệp muốn tăng trưởng phải chớp thời cơ và phải đáp ứng được vốn trung và dài hạn.
Thứ 2 là hiện nay chưa có thay đổi lãi suất cơ bản nên việc cho vay theo lãi suất thỏa thuận là một cách làm cho thị trường vốn được cải thiện. Thứ 3 là góp phần tiến dần tới việc điều hành theo hướng cung cầu vốn thị trường, theo yêu cầu của nền kinh tế và theo khả năng huy động, cho vay của ngân hàng. Khi bắt đầu thực hiện một cách đồng đều thì khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp cũng dễ hơn.
Tuy nhiên, thực hiện cho vay theo lãi suất thỏa thuận cũng khiến các doanh nghiệp khó khăn hơn vì phải tăng thêm chi phí, giá thành. Hiện nay, nguồn vốn không dồi dào trong khi nhu cầu vay vốn lại rất nhiều, do đó các ngân hàng sẽ ưu tiên đối với các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả góp phần thúc đẩy sản xuất cũng như chống lạm phát.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, việc khống chế trần cho vay và huy động đã dẫn đến tình trạng “méo mó” giá vốn. Thị trường vốn trung và dài hạn không được khơi thông do lãi suất huy động bị khống chế dẫn đến tình trạng không huy động được. Việc cho phép áp dụng lãi suất thỏa thuận vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay được vốn trung và dài hạn với giá thỏa thuận minh bạch, vừa chấm dứt tình trạng phí “ngầm”.
Hùng Anh