Gạo Việt yếu thế vì "vô danh"

ANTD.VN - Gạo Việt Nam xuất khẩu vừa nhận cú sốc thứ hai trong năm 2016 khi phải tạm dừng xuất khẩu sang thị trường Mỹ vì chất lượng không đảm bảo. Trong khi đó, ở thị trường trong nước, người tiêu dùng vẫn tiếp tục mua gạo Thái Lan, Campuchia…

Gạo Việt yếu thế vì "vô danh" ảnh 1Gạo Việt Nam xuất khẩu nhiều về lượng nhưng chưa ổn định về chất

Gạo ngoại tràn ngập thị trường

Bộ NN&PTNT vừa quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo sang thị trường Mỹ do gạo của một số doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Theo thống kê của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), từ năm 2012 đến tháng 8-2016, có 16 doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam sang thị trường Mỹ bị trả về với tổng số 412 container.

Phó Cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông, lâm, thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) Võ Thành Đô cho biết, sau khi một số lô gạo bị Mỹ trả về do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, Bộ NN&PTNT đã tạm dừng, không cho xuất khẩu gạo vào thị trường này để xử lý. Nếu tiếp tục xuất khẩu và để xảy ra tình trạng tương tự có thể Mỹ sẽ cấm nhập khẩu gạo của Việt Nam. Đây là cú sốc thứ hai liên quan đến việc xuất khẩu gạo trong năm 2016. Trước đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã buộc phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2016 so với dự kiến hồi đầu năm vì xuất khẩu gạo khó khăn. 

Từ những vụ việc kể trên, có thể thấy chung quy vẫn do Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu gạo. Dù gạo Việt Nam xuất khẩu với lượng rất nhiều và nhiều chủng loại, nhưng vì chưa có thương hiệu nên không có một quy chuẩn chất lượng chung, thậm chí các doanh nghiệp xuất khẩu cũng không biết nguồn gốc gạo mình xuất đi như thế nào, vì tất cả qua thương lái thu gom ở khắp các nơi.

GS.TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, nhận định gạo Việt Nam có thừa yếu tố độc đáo để gây ấn tượng với người tiêu dùng; tuy nhiên, nó chỉ được xuất hiện với một cái tên “gạo trắng hạt dài”, không rõ xuất xứ và được đóng “mác” của những doanh nghiệp lương thực trung gian thuộc các quốc gia khác. Tới nay, Bộ NN&PTNT còn đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tìm một vài giống gạo đặc trưng của Việt Nam, làm thương hiệu để người tiêu dùng thế giới biết đến gạo Việt. Trong bối cảnh đó, một bộ phận người tiêu dùng trong nước đã chuyển qua ăn gạo Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Thị trường gạo trong nước hiện tràn ngập các loại gạo ngoại nhập.

“Chúng ta xuất khẩu rất nhiều gạo nhưng người Việt lại nhập gạo về ăn”, TSKH Nguyễn Quốc Vọng, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhìn nhận. Đáng nói, gạo Campuchia dù mới nổi nhưng đã nhanh chóng có mặt ở Việt Nam và được nhiều người tiêu dùng trong nước yêu thích. Theo TSKH Nguyễn Quốc Vọng, người tiêu dùng chọn gạo Campuchia chỉ đơn giản là vì chất lượng tốt hơn. 

Xây dựng thương hiệu là cấp thiết

GS.TS Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp cho rằng, Việt Nam phải xây dựng bằng được thương hiệu gạo của mình. “Không phải học tập ở đâu xa xôi, trong việc xây dựng thương hiệu gạo, Việt Nam cứ nhìn Campuchia để học hỏi. Họ bình tuyển các giống đặc sản, chất lượng cao rồi chọn ra giống ngon nhất để nhân giống, chuyển cho doanh nghiệp sản xuất. Sản phẩm làm ra đưa đi dự thi đoạt giải quốc tế ngay tại Thái Lan. Bây giờ Campuchia tuy xuất khẩu về lượng không nhiều nhưng gạo của họ đã có thương hiệu trên thị trường thế giới”, GS.TS Võ Tòng Xuân thông tin.

Để xây dựng thương hiệu gạo Việt, kéo người tiêu dùng trong nước trở về với hàng Việt, GS.TS Võ Tòng Xuân cho rằng, với mỗi nhóm  gạo của Việt Nam (gạo thường, gạo cao cấp, gạo nếp) nên bình tuyển ra một vài giống tốt. Đưa vào khảo sát, đánh giá ưu nhược điểm, chất lượng, khi đã ổn thì chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất giống và cung cấp cho nông dân gieo trồng, tránh tình trạng trồng tràn lan như hiện nay để rồi không biết giống gạo gì và cũng không có loại nào đặc sắc để lại ấn tượng. 

Còn theo TSKH Nguyễn Quốc Vọng, muốn kéo người tiêu dùng về với gạo Việt thì phải đưa tới cho họ sản phẩm có chất lượng. “Lúa gạo Việt Nam có lịch sử phát triển cả nghìn năm, chúng ta không thiếu những giống thơm ngon chất lượng cao. Cái chính là trong những năm qua, Việt Nam xuất khẩu chạy theo số lượng nên những giống chất lượng cao bị mai một, thoái hóa. Nếu gạo ngắn ngày của chúng ta cho năng suất cao mà người dân không ăn thì tại sao chúng ta không nghĩ đến việc khôi phục các giống cũ, lai tạo giống mới”, ông Nguyễn Quốc Vọng đặt vấn đề.