Game online xuất xứ Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn tại Việt Nam

ANTD.VN - Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT), gần 87% trò chơi điện tử trực tuyến (game online) phát hành hợp pháp tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó chủ yếu là từ Trung Quốc.

Người chơi khó phân biệt game lậu và game hợp pháp

Bộ TT-TT cho biết, hiện chỉ có 23% doanh nghiệp được cấp Giấy phép cung cấp game G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp) có hồ sơ đề nghị phê duyệt nội dung kịch bản trò chơi G1.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chỉ lợi dụng có giấy phép G1 để xuất trình cho doanh nghiệp viễn thông và đơn vị thanh toán để phát hành game không phép (Vụ Rikvip của Công ty CNC là trường hợp điển hình).

Đáng chú ý, gần 87% là trò chơi phát hành hợp phát tại Việt Nam có xuất xứ từ nước ngoài, trong đó Trung Quốc chiếm gần 69%. “Ngành công nghiệp trò chơi điện tử trên mạng ở nước ta hiện nay thực chất chỉ là thị trường phát hành trò chơi cho nước ngoài và được hưởng doanh thu theo tỷ lệ thỏa thuận”- đại diện Bộ TT-TT nhận định.

Những năm gần đây, game xuyên biên giới không có phép phát hành qua các kho ứng dụng Apple Store, Google Play đã gây thiệt hại lớn cho thị trường game Việt Nam. Theo khảo sát sơ bộ của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PT-TH&TTĐT) thì doanh thu từ game lậu chiếm 30% doanh thu toàn thị trường game Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã hợp tác làm trung gian thanh toán cho các trò chơi không phép này.

Để thu hút người chơi, một số doanh nghiệp game lợi dụng hoạt động các chương trình khuyến mại (quay số may rủi) đã được cấp phép cho game, đặc biệt là các game bắn cá để thực hiện hành vi trả thưởng cho người chơi game (là một hình thức đổi thưởng), vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Mới đây, Bộ TT-TT đã ra quyết định đình chỉ 3 tháng đối với Giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng  của Công ty Cổ phần Gold Game Việt Nam. Cục PT-TH&TTĐT cũng quyết định đình chỉ Giấy chứng nhận cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G2, G3, G4 trên mạng của doanh nghiệp này trong 3 tháng do công ty này có những vi phạm.

Tới đây, Bộ TT-TT sẽ có giải pháp để ngăn chặn các vi phạm trong lĩnh vực này, theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp phải tuân thủ quy định, pháp luật Việt Nam. Người chơi cũng phải phân loại theo độ tuổi.

Đặc biệt, hệ thống quản lý thanh toán cho các trò chơi điện tử của doanh nghiệp phải đặt tại Việt Nam và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán hợp pháp của Việt Nam, bảo đảm cập nhật, lưu trữ chính xác, đầy đủ và cho phép người chơi có thể tra cứu được thông tin chi tiết về tài khoản thanh toán của mình để tránh gian lận.