FED liên tục tăng lãi suất, liệu lãi suất VND có tăng theo?

ANTD.VN - Nếu như trước đây, chỉ có các ngân hàng nhỏ và một số ngân hàng tầm trung tăng lãi suất thì trong mùa huy động vốn cuối năm nay đã có sự góp mặt của các ngân hàng lớn. Câu hỏi đặt ra là, liệu sức ép của tỷ giá USD có buộc các ngân hàng phải nâng mặt bằng lãi suất lên, nhất là trong bối cảnh Fed đã và sẽ tiếp tục nâng lãi suất USD?

Lãi suất tăng trên diện rộng

Là ngân hàng kiên định mức lãi suất thấp nhất toàn hệ thống suốt hơn 1 năm trở lại đây nhưng mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã chính thức vào cuộc tăng lãi suất huy động. Theo đó, lãi suất huy động ở hầu hết các kỳ hạn của ngân hàng này đều nhích tăng 0,1-0,2%.

Cụ thể, với kỳ hạn 1-2 tháng tăng thêm 0,2% lên 4,3%/năm; kỳ hạn 6 tháng cũng tăng 0,2% lên 5,3%. Kỳ hạn 3 tháng và 9 tháng giữ nguyên, lần lượt là 4,6%/năm và 5,5%/năm. Kỳ hạn 12 tháng tăng 0,2% lên 6,6%. Đối với các kỳ hạn 24-60 tháng, lãi suất đồng loạt được nâng thêm 0,1%, ở cùng mức 6,6% thay vì 6,5% so với trước đó.

Trong khi đó, Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) sau khi giảm nhẹ lãi suất hồi tháng 7 thì đến cuối tháng 9 cũng đã nâng lãi suất thêm từ 0,1-0,4%/năm tùy từng kỳ hạn. Theo đó, kỳ hạn 1 tháng ở ngân hàng này đang có mức lãi suất 5%/năm đối với hình thức tiền gửi tiết kiệm tại quầy với số dư dưới 5 tỷ đồng và thêm 0,1% đối với các khách hàng gửi số tiền lớn hơn. Mức lãi suất cao nhất VPBank đang áp dụng là 7,2%/năm, cao hơn so với mức 7,1%/năm trước đó.

Trước đó, hàng loạt các ngân hàng lớn như VietinBank, BIDV, Agribank cũng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất một số kỳ hạn. Điều này cho thấy, mặt bằng lãi suất huy động cuối năm đã tăng trên diện rộng, không còn đơn lẻ như trước đây.

Hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động

Lý giải điều này, chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS Cấn Văn Lực cho rằng, có 3 lý do cơ bản. Thứ nhất là 9 tháng đầu năm tăng trưởng huy động vốn chậm hơn tăng trưởng tín dụng, vì vậy các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn để đảm bảo cân bằng hơn. Thứ hai là chuẩn bị cho yếu tố mùa vụ khi quý IV hàng năm nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng cao. Thứ ba là các ngân hàng đang phải chuẩn bị để đáp ứng yêu cầu Thông tư 19, quy định từ đầu năm 2019 các ngân hàng chỉ được sử dụng 40% vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, thay vì 45% như hiện nay.

Lãi suất VND có phải "cạnh tranh" với USD?

Một số chuyên gia cho rằng, việc các ngân hàng tăng lãi suất thời gian qua là có chịu một phần tác động của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất USD mới đây và dự kiến sẽ tăng thêm 1 lần nữa từ nay đến cuối năm.

Theo đó, khi lãi suất đồng USD tăng thì các ngân hàng có xu hướng tăng lãi suất huy động VND để duy trì sức hấp dẫn của đồng nội tệ nhằm hạn chế tình trạng chuyển tiền gửi từ VND sang USD. Hai là, động thái của FED cũng có nghĩa mặt bằng lãi suất chung của thế giới đã tăng, do đó, nếu không tăng lãi suất VND có thể dẫn đến tình trạng có dòng vốn dịch chuyển từ trong nước ra nước ngoài để hưởng lãi suất cao.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng nhân tố này không ảnh hưởng đáng kể. Ông cho rằng việc FED tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến lãi suất quốc tế của đô la Mỹ, từ đó đẩy lãi suất cho vay đô la Mỹ của Việt Nam tăng lên. “Trong năm nay, lãi suất USD đã tăng đâu đó khoảng 0,75 – 1% trong năm nay rồi. Điều này không quá đáng lo vì cho vay ngoại tệ tại Việt Nam mới chiếm khoảng 8% tổng dư nợ” – vị chuyên gia nói.

Về lo ngại dịch chuyển dự trữ tiền đồng sang USD, TS Cấn Văn Lực cho rằng sẽ khó xảy ra. “Hiện lãi suất 0%, mức độ chênh lệch với lãi suất VND khoảng 7 – 8%. Nếu tính lạm phát khoảng 4%, cộng với mất giá tiền đồng so với USD khoảng 2,5-3% thì gửi tiền đồng đâu đó vẫn có lợi hơn, và đặc biệt là sẽ tiện lợi hơn trong giao dịch ngân hàng. Vì vậy, chắc chắn sẽ không nhiều người chuyển từ gửi VND sang USD” – ông phân tích.

Vì vậy, theo vị chuyên gia này, lãi suất từ nay đến cuối năm và sang đầu năm tới về cơ bản sẽ ổn định. Nếu có “nhấp nhổm” thì cũng do yếu tố mùa vụ và nhu cầu vốn từng ngân hàng, chứ không tăng quá cao theo đà tăng lãi suất của FED.