FDI chủ yếu đến từ các nước Đông Á, chưa có nhiều doanh nghiệp công nghệ cao

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) Trần Văn Tùng cho biết, các doanh nghiệp nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ cao thực hiện đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều.

Doanh nghiệp FDI chưa mang được nhiều công nghệ hiện đại vào Việt Nam

Chuyển giao công nghệ là một trong những mục tiêu quan trọng  trong chính sách thu hút FDI, nhằm tạo ra sức cạnh tranh, đổi mới công nghệ với các doanh nghiệp trong nước, qua đó thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Luật chuyển giao công nghệ năm 2017 cũng quy định: “Đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; khuyến khích chuyển giao công nghệ từ Việt Nam ra nước ngoài; thúc đẩy chuyển giao công nghệ trong nước; chú trọng lan tỏa công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang doanh nghiệp trong nước”.

Tuy nhiên, sau 30 năm FDI vào Việt Nam, Thứ trưởng Bộ KH-CN cho biết, phần lớn các hợp đồng chuyển giao công nghệ được đăng ký tại cơ quan quản lý về khoa học và công nghệ tập trung vào chuyển giao quy trình công nghệ, bí quyết công nghệ, trợ giúp kỹ thuật và đào tạo. Trong khi đó, chuyên gia công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chiếm số lượng không nhiều, chỉ có 13%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các doanh nghiệp nắm giữ công nghệ nguồn, công nghệ cao thực hiện đầu tư tại Việt Nam chưa nhiều. Một số dự án FDI còn tập trung vào lắp ráp, gia công với tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao nên sự lan tỏa công nghệ từ doanh nghiệp FDI sang doanh nghiệp trong nước chưa được như mong muốn.

Mặt khác, một trong những yếu tố quyết định sự thành công của chuyển giao công nghệ là có nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nguồn nhân lực  của Việt Nam hiện còn thiếu tính chuyên nghiệp, thiếu kỹ năng, chưa đáp ứng được với yêu cầu của doanh nghiệp, nhất là trong một số ngành đòi hỏi kỹ năng, tay nghề cao.

Đồng quan điểm này, TS Nguyễn Thị Tuệ Anh- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mức độ chuyển giao công nghệ của khu vực FDI cho khu vực trong nước không tương xứng với vai trò và tiềm năng.

Có thể khẳng định điều này qua thống kê gần đây. Dẫn từ số liệu của Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh cho hay, tính đến năm 2015, các hợp đồng chuyển giao công nghệ đều được thực hiện dưới dạng chuyển giao từ công ty mẹ sang công ty con tại Việt Nam, chứ chưa có doanh hợp đồng nào chuyển giao từ doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước.

“Theo điều tra “Năng lực cạnh tranh và công nghệ ở cấp độ doanh nghiệp tại Việt Nam từ năm 2010-2014 của CIEM, nếu xét cả doanh nghiệp cùng ngành và khác ngành, có khoảng 80% chuyển giao công nghệ diễn ra giữa các doanh nghiệp trong nước, còn chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI cho doanh nghiệp trong nước cùng và khác ngành chỉ chiếm dưới 20%”- bà Nguyễn Thị Tuệ Anh nói.

Theo chuyên gia này, đến hết năm 2015, quy mô vốn đăng ký các dự án của các quốc gia sở hữu công nghệ nguồn như: Mỹ, Nhật Bản, EU còn rất khiêm tốn trong tổng số dự án FDI, chỉ chiếm hơn 15% vốn đăng ký. Gần 75% còn lại là của các nhà đầu tư khác, chủ yếu đến từ các nước Đông Á.

“Do vậy, nếu cho rằng trình độ công nghệ hay chuyển giao công nghệ có gắn kết chặt chẽ với đối tượng đầu tư là những quốc gia sở hữu công nghệ gốc thì Việt Nam ít được tiếp cận công nghệ hiện đại qua FDI. Nói cách khác, Việt Nam chưa tiếp cận được nhiều dòng vốn FDI chất lượng cao hay các đối tác nắm giữ công nghệ nguồn”- Phó viện trưởng CIEM phân tích.

Ngoài ra, khoảng cách công nghệ giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước cũng cản trở quá trình chuyển giao này.

Các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh việc điều chỉnh, hoàn thiện nội dung chính sách FDI theo hướng thúc đẩy tác động lan tỏa đến các doanh nghiệp trong nước, cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, xây dựng tiêu chí liên kết sản xuất với doanh nghiệp trong nước; đồng thời hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để khai thác được lợi thế của đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.