- Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội phê chuẩn Hiệp định EVFTA ngay tại kỳ họp thứ 9
- Ngày mai (20-5), Quốc hội xem xét việc phê chuẩn EVFTA
Ngành dệt may được đánh giá sẽ hưởng lợi nhiều từ các hiệp định thương mại tự do
So sánh mức độ cam kết của EU với các nước tham gia CPTPP về thuế nhập khẩu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, với hiệp định EVFTA, ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, EU cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2%số dòng thuế, tương đương 99,7%kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với một số ít mặt hàng còn lại (tương đương khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu), EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn (7 năm).
Trong khi đó, với CPTPP, các nước CPTPP cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97% đến 100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước và tùy theo lộ trình, tối đa là 17 năm (với Pê-ru).
Về mức độ cam kết xóa bỏ thuế quan của Việt Nam với các nước tham gia 2 hiệp định này, theo Bộ Công Thương, với EVFTA, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế (chiếm 64,5% kim ngạch nhập khẩu).
Tiếp đó, sau 7 năm, 91,8% số dòng thuế tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu từ EU được Việt Nam xóa bỏ thuế nhập khẩu. Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng TRQ theo cam kết WTO hoặc không cam kết.
Với CPTPP, ta cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm. Đối với một số mặt hàng đặc biệt nhạy cảm, ta yêu cầu lộ trình trên 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ).
“Như vậy, có thể thấy đối với cả hai iệp định, ta đều có lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu trong khoảng 10 năm với khoảng 99% số dòng thuế của các nước đối tác. Đối với những mặt hàng nhạy cảm, ta đều bảo lưu được một khoảng thời gian (lộ trình xóa bỏ thuế) tương đối dài (hơn 10 năm) hoặc áp dụng TRQ hoặc không cam kết”- đại diện Bộ Công Thương cho biết.
Ngày 20-5, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về EVFTA. Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, EVFTA có tác động tích cực và rõ rệt về mặt kinh tế, cải cách pháp luật – thể chế theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, với những cam kết đã được, hiệp định dự kiến cũng sẽ giúp việc giảm nghèo nhanh hơn.
Việc thực thi EVFTA sẽ doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận các chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19 thời gian vừa qua, đồng thời cũng là cơ hội tốt giúp Việt Nam bước vào để lấp đầy chỗ trống trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Đây là tiền đề quan trọng để doanh nghiệp khôi phục và thúc đẩy việc sản xuất kinh doanh sau giai đoạn dịch bệnh. Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội được mở rộng và đa dạng hóa hơn, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định.