Đừng "hoa mắt" vì con số lãi suất chứng chỉ tiền gửi

ANTD.VN - Trong khi mặt bằng lãi suất huy động tại các ngân hàng ở mức dưới 8% thì lãi suất huy động thông qua chứng chỉ tiền gửi đạt mức 9,2%/năm, thậm chí tại các công ty tài chính, con số này có thể lên đến 11%/năm.

Nếu nhìn vào con số lãi suất chứng chỉ tiền gửi thì rõ ràng có sự chênh lệch đáng kể so với hình thức huy động vốn thông thường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần tỉnh táo với những con số này, bởi đây thông thường chỉ là lãi suất trong năm đầu tiên, còn những năm sau lãi suất sẽ được thả nổi.

Đừng "hoa mắt" vì con số lãi suất chứng chỉ tiền gửi ảnh 1Dù mức lãi suất cao nhưng khách hàng cũng cần lưu ý các điều khoản khi mua chứng chỉ tiền gửi

Đừng nhìn vào những con số

Liên tục nhiều ngân hàng lớn đã và đang quảng bá về việc phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất hấp dẫn. Có thể kể đến Sacombank, khi khách hàng tham gia chứng chỉ với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn 5 năm + 1 ngày sẽ nhận lãi suất lên đến 8,48%/năm; còn kỳ hạn 7 năm sẽ hưởng lãi 8,88%/năm cho năm đầu tiên. 

LienVietPostBank cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi trung hạn (18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng) chỉ yêu cầu khách hàng mua chứng chỉ với mệnh giá từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng, với mức lãi suất lên đến 8,8%/năm. Mức lãi suất huy động thông qua hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi cao nhất đang thuộc về VPBank khi ngân hàng này công bố lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm với số tiền từ 5 tỷ đồng trở lên, lên đến 9,2%/năm. 

Theo các chuyên gia, mục tiêu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng khi phát hành chứng chỉ tiền gửi là nhằm huy động nguồn vốn trung và dài hạn, đồng thời đa dạng hóa hình thức huy động vốn của mình. Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi chủ yếu nhằm cơ cấu lại nguồn vốn, gia tăng vốn trung và dài hạn nhằm đáp ứng quy định tại Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước. Theo quy định này, từ 1-1-2017, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn phải giảm từ mức 60% xuống 50%. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến cáo khách hàng không nên “hoa mắt” vì những con số lãi suất chứng chỉ tiền gửi. Theo TS. Bùi Quang Tín, giảng viên trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, hiện nay đa phần chứng chỉ tiền gửi đều chốt lãi suất cố định năm đầu tiên cao hơn mức gửi tiết kiệm thông thường, còn những năm sau thì lãi suất linh hoạt, thông thường tính theo lãi suất huy động bình quân của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, cộng biên độ, thường là 1,8%/năm.

“Như vậy, có nghĩa là mức lãi suất cao mà các ngân hàng công bố thường chỉ áp dụng trong năm đầu tiên như một hình thức khuyến mãi cho khách hàng. Còn các năm sau lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ ở mức bình quân trên thị trường huy động vốn, vì hiện nay lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn thông thường thấp hơn 1,5-2% so với các ngân hàng thương mại nhỏ”, TS. Bùi Quang Tín phân tích.

Cùng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng khách hàng khi tiếp cận chứng chỉ tiền gửi không nên nhầm tưởng lãi suất ngân hàng công bố là cố định suốt thời gian huy động mà chỉ là trong thời gian đầu, sau đó các sẽ thả nổi dựa trên lãi suất trung bình của các ngân hàng lớn cộng với biên độ. Đáng nói, chứng chỉ tiền gửi cũng thường được trả lãi cuối kỳ có nghĩa là khác với việc trả lãi hàng tháng hay hàng quý. “Lãi suất 8,5%/năm trả cuối kỳ quy đổi ra cũng chỉ bằng 7,6%/năm nếu theo hình thức trả hàng tháng, hàng quý”, TS. Cấn Văn Lực cho biết.

Công ty tài chính đẩy lãi suất lên 12%/năm

Từ đầu năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các công ty tài chính phát hành được phép phát hành các loại giấy tờ có giá, bao gồm chứng chỉ tiền gửi để huy động vốn. Trước đó, các công ty tài chính phải huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu hoặc vay ngân hàng trong và ngoài nước.

Kể từ đó đến nay, do cạnh tranh gay gắt về nguồn vốn nên các công ty tài chính đưa ra những mức lãi luất huy động thông qua chứng chỉ tiền gửi cao chót vót, dao động từ 9 đến 12%/năm. Tuy nhiên, theo quy định, chứng chỉ tiền gửi chỉ bán cho tổ chức chứ không được bán cho cá nhân, trong đó, nếu huy động tiền từ các tổ chức tín dụng thì thời hạn tối đa là 1 năm.

Mức lãi suất cao mà các ngân hàng công bố thường chỉ áp dụng trong năm đầu tiên như một hình thức khuyến mãi cho khách hàng. Còn các năm sau lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi cũng chỉ ở mức bình quân trên thị trường huy động vốn.

TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên trường ĐH Ngân hàng TP.HCM

Lý giải vì sao lãi suất chứng chỉ tiền gửi của các công ty tài chính chênh lệch đáng kể so với các ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín cho rằng do việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng là huy động bằng hình thức tín chấp chứ không phải thế chấp.

“Vì là tín chấp nên đương nhiên đơn vị nào có uy tín hơn thì việc huy động vốn sẽ dễ dàng hơn, và vì vậy lãi suất cũng thấp hơn, còn đơn vị nào ít uy tín, độ rủi ro cao hơn thì lãi suất sẽ cao hơn”, TS. Bùi Quang Tín cho biết.

Ngoài ra, theo TS. Bùi Quang Tín đối với chứng chỉ tiền gửi của các ngân hàng thương mại thì khách hàng nếu cần tiền có thể bán lại cho ngân hàng thương mại, chuyển nhượng hoặc thế chấp để vay tiền tại ngân hàng... Trong khi đó, nếu mua chứng chỉ tiền gửi tại các công ty tài chính thì rất khó bán lại, thế chấp hay chuyển nhượng.

Cần nghiên cứu kỹ các điều khoản ràng buộc

Theo khảo sát, hiện nay, bên cạnh việc đưa ra mức lãi suất cao thì nhiều ngân hàng cũng đưa ra những ưu đãi rất hấp dẫn đối với khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi, đó là khả năng chiết khấu hoặc cầm cố chứng chỉ để rút tiền trước thời hạn. Cụ thể, Sacombank cho phép khách hàng sở hữu chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm + 1 ngày và 7 năm có thể cầm cố lại chứng chỉ sau thời gian 1 năm với mức lãi suất cho vay bằng lãi suất huy động của chứng chỉ.

Tại VIB, khách hàng cũng được quyền lợi tương tự khi thực hiện cầm cố sau 6 tháng kể từ ngày gửi. VPBank có quy định về mức lãi suất cho vay ưu đãi khi khách hàng thực hiện cầm cố lại chứng chỉ dựa trên thời gian thực gửi như dưới 6 tháng sẽ cộng 2% so với lãi suất của chứng chỉ; từ 6 đến 12 tháng cộng 1%; từ 12 tháng trở lên là 0%.

Tuy vậy, các chuyên gia vẫn khuyến cáo khách hàng khi có tiền nhàn rỗi muốn mua chứng chỉ tiền gửi kể cả của ngân hàng hay công ty tài chính thì đều cần nghiên cứu thật kỹ về lãi suất và các điều khoản ràng buộc. Cụ thể, cần hỏi kỹ về lãi suất, là nhận lãi cuối kỳ của 1 năm hay của toàn bộ quá trình gửi (5-7 năm), mức lãi suất từ năm thứ hai trở đi được tính ra sao.

Nếu nhận lãi cuối kỳ, cần cân nhắc đến vấn đề trượt giá, thông thường khoảng 4%/năm. Hơn nữa, lãi suất chứng chỉ tiền gửi có thời hạn rất dài và không được rút trước hạn nên phù hợp với khoản tiền nhàn rỗi lâu dài. Nếu nguồn vốn không ổn định, khách hàng cần chú ý đến các điều khoản về cầm cố, thế chấp hay bán lại trước hạn. Bởi nhiều ngân hàng quy định khách hàng nếu muốn rút tiền trước hạn thì phải thế chấp cho ngân hàng để vay lại với lãi suất rất cao, có thể gấp rưỡi lãi suất huy động được ghi trên chứng chỉ tiền gửi. 

Trên lý thuyết chứng chỉ tiền gửi được phép chuyển nhượng cho người khác nhưng thực tế trên thị trường hầu như không có người mua, trừ khi tìm được người quen thân có tiền nhàn rỗi hoặc người có nhu cầu mua mà ngân hàng đã ngừng phát hành chứng chỉ tiền gửi.