Đưa sản phẩm làng nghề ra toàn thế giới

ANTĐ - Dự kiến đến năm 2020, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội sẽ tăng lên gần 1 tỷ USD. Sản phẩm của “đất trăm nghề” sẽ đến được cả các thị trường mới như Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Tây Nam Á, châu Phi… bên cạnh các thị trường truyền thống. 

Đưa sản phẩm làng nghề ra toàn thế giới ảnh 1Nét tinh tế của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội được du khách ưa thích

Thị trường rộng mở

Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội, thị trường quốc tế đang rộng mở đối với sản phẩm truyền thống của Việt Nam. Xu hướng tiêu dùng các sản phẩm này đã tăng lên ở các nước phát triển và lan sang cả các nước đang phát triển. Thị hiếu của người tiêu dùng hướng vào hàng thủ công mỹ nghệ có nguyên liệu xuất xứ từ thiên nhiên, mang đậm bản sắc dân tộc, có độ tinh xảo cao như: nhóm mặt hàng trang trí nội thất, trang sức và quà tặng. “Mặt khác, việc đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế cũng như nỗ lực trong xúc tiến thương mại của Việt Nam đã mở ra triển vọng lớn cho xuất khẩu của Việt Nam những năm tới. Tiềm năng thị trường thế giới về hàng thủ công mỹ nghệ còn rất lớn, đặc biệt là các sản phẩm: mây tre đan, gốm sứ, hàng dệt kim, hàng thêu tay, hàng sơn mài, điêu khắc...”- lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết. 

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu thủ công mỹ nghệ của Việt Nam hiện chỉ chiếm 1,5% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ; 1,7% của Nhật và 5,4% của EU. Trong khi Mỹ có nhu cầu lớn về hàng gốm sứ nghệ thuật thì EU và Nhật Bản lại thích sản phẩm gỗ (bao gồm cả gỗ dân dụng và gỗ mỹ nghệ); gốm sứ mỹ nghệ, mây tre đan... Dự báo, xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ chiếm 20 - 25% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề Hà Nội. Bên cạnh đó, một số thị trường mới gồm Nam Mỹ, Trung Đông, Nga cũng muốn nhập nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ. 

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện có khoảng 40% sản phẩm làng nghề được xuất khẩu đến trên 100 nước và vùng lãnh thổ. Trên cả nước có hơn 3.000 làng nghề truyền thống. Trong đó, 80% tập trung ở đồng bằng sông Hồng mà Hà Nội là trung tâm. Bởi vậy, trong những năm tới, giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm làng nghề của thành phố sẽ tăng. Dự kiến, năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 593 triệu USD. Đến năm 2020, con số này lên tới 850 triệu USD. Một số sản phẩm được kỳ vọng đẩy mạnh xuất khẩu thời gian tới là: gốm sứ, mây tre đam, thêu ren, sơn mài và khảm trai.

Kết hợp xuất khẩu tại chỗ

Nổi tiếng là “đất trăm nghề” với lịch sử phát triển hàng trăm năm nên sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội rất đa dạng, phong phú. Trong đó, có những sản phẩm chỉ Thủ đô mới có như: gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ, lụa Vạn Phúc, đúc đồng Ngũ Xã, Tò he Xuân La... “Các sản phẩm đã có mặt ở nhiều nước và được các tổ chức, cá nhân đánh giá cao cả về chất lượng kỹ thuật, mỹ thuật”- lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho biết. 

Theo bà Nguyễn Thúy Quỳnh - Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, làng nghề Hà Nội đang phát triển nhanh chóng. Nếu như năm 2009, giá trị sản xuất của làng nghề đạt hơn 7.000 tỷ đồng thì đến năm 2013, con số này đã lên đến 12.200 tỷ đồng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế Thủ đô. 

Thực tế cho thấy, bên cạnh xu hướng sản xuất để xuất khẩu, sản phẩm làng nghề của Hà Nội còn được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc kết hợp giữa làng nghề và du lịch. Khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến các làng nghề của Việt Nam ngày càng nhiều, để vừa mua sản phẩm, vừa chứng kiến quá trình làm ra sản phẩm ấy. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thúy Quỳnh cho rằng, tiềm năng du lịch làng nghề Hà Nội chưa được khai thác hết. Nguyên nhân một phần do hoạt động quảng bá thương hiệu làng nghề hạn chế, giao thông chưa thuận lợi, nhân lực phục vụ du khách thiếu… Quan trọng hơn, sản phẩm làng nghề còn đơn điệu, theo mẫu sẵn có mà chưa làm theo được nhu cầu của du khách, thái độ phục vụ lại chưa chuyên nghiệp. Ngoài ra, chất lượng sản phẩm không đồng đều, sản phẩm còn bị làm giả, làm nhái, ảnh hưởng đến uy tín và khó giữ được khách. Để tăng thêm giá trị xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, làng nghề Hà Nội cần khắc phục các hạn chế này. Đồng thời, sản phẩm làng nghề cần chú ý vừa bảo vệ môi trường, vừa bảo tồn được các giá trị văn hóa.