Dự án nào thuộc diện cắt giảm?
(ANTĐ) - Ngày 22-4, trao đổi với báo chí bên lề phiên họp thứ 8 của ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc dự báo, mục tiêu kiềm chế chỉ số giá tiêu dùng không cao hơn năm 2007 (12,63%) là không thể đạt được.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng đã giảm nhưng vẫn ở mức cao |
- Với diễn biến của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian qua, Bộ trưởng có dự báo gì về CPI từ nay tới cuối năm?
- Chỉ số tăng giá tháng 4 ở mức 2%, đẩy chỉ số lạm phát 4 tháng lên 11,2%. Như vậy thì khả năng kiềm chế lạm phát không cao hơn năm 2007 là không thể thực hiện được.
Một mặt vẫn phải tăng cường các biện pháp điều hành để giảm dần tốc độ tăng giá trong những tháng còn lại của năm 2008, một mặt Chính phủ đang cân nhắc đề nghị Quốc hội cho ý kiến điều chỉnh chỉ số này cho phù hợp với tình hình hơn là đặt một chỉ tiêu để rồi không đạt được, sẽ khiến người dân hoang mang, mất lòng tin.
- Ngoài biện pháp kỹ thuật là tăng thuế nhập khẩu một số mặt hàng, Chính phủ có kế hoạch gì để giảm nhập siêu, thưa ông?
- Chính phủ đã có kế hoạch làm việc với các nước là những thị trường mà Việt Nam nhập siêu mạnh để giảm nhập siêu. Bằng mọi biện pháp để không hạn chế việc nhập khẩu của họ từ Việt Nam nhưng cũng đồng thời yêu cầu họ phải mở cửa để tạo điều kiện cho hàng hóa của ta vào thị trường của họ.
Ví dụ, hiện nông sản của ta chưa vào được thị trường Hàn Quốc, trong khi cơ hội thì có nhiều; ta sẽ phải đàm phán với đối tác để tạo thuận lợi cho mặt hàng này vào Hàn Quốc, đổi lại chúng ta vẫn duy trì các điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Hàn Quốc vào thị trường Việt Nam.
- Vì sao khi đề ra tiêu chí cắt giảm các dự án không hiệu quả, Bộ KH-ĐT chỉ dựa trên nguồn vốn mà không đưa ra các tiêu chí khác?
Trả lời câu hỏi về chính sách thuế ôtô, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói: “Tôi cho rằng chúng ta có một số xử lý về thuế không đúng mức, chưa có tính chiến lược. Thứ nhất là để hạn chế nhập khẩu thì lẽ ra khi thấy ôtô tăng trưởng quá cao như vậy chúng ta phải đưa ra thuế suất hợp lý cho cả ôtô nhập nguyên chiếc và cả linh kiện vì lượng linh kiện cũng rất nhiều. Thứ hai, nếu muốn hạn chế ôtô lưu hành vì lý do hạ tầng không đảm bảo thì phải có biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc ôtô dù là nguyên chiếc hay nhập linh kiện khi đưa vào lưu thông phải chịu một mức phí nào đó. Ví dụ, thuế nhập khẩu ôtô ở Singapore rất thấp nhưng để đảm bảo ôtô lăn bánh phải đóng thuế rất cao, có thể gấp 3-4 lần giá trị ôtô. Quan điểm của tôi là chúng ta có thể cần bảo hộ nhưng phải ở mức hợp lý và cần đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng”. |
- Hiện nay đúng là chỉ dựa trên tiêu chí về nguồn vốn đầu tư và thủ tục đầu tư là chính.
Bởi lẽ, các dự án khác của doanh nghiệp Nhà nước chẳng hạn họ có sự chủ động của họ; ngoài ra kênh cấp vốn của doanh nghiệp chủ yếu là các ngân hàng, các ngân hàng sẽ là một “bộ lọc” để biết doanh nghiệp nào, dự án nào làm ăn hiệu quả, dự án nào không, để chủ động xử lý.
Chúng ta không thể bắt buộc họ bằng các biện pháp hành chính.
- Tại sao không cắt giảm ngay các công trình kém hiệu quả mà phải đợi đến tháng 5, thưa ông?
- Đó là vì muốn các địa phương có thời gian rà soát, lập danh sách báo cáo Chính phủ. Tháng 5 sẽ công bố công khai danh mục các dự án thuộc diện cắt giảm. Còn về nguyên tắc việc cắt giảm phải thực hiện ngay từ bây giờ.
Bởi vì Chính phủ đã tuyên bố không tăng vốn đầu tư mặc dù đơn giá xây dựng tăng, như vậy thì bản thân các địa phương đã phải tự cân đối, rà soát để không rót vốn dàn trải cho quá nhiều dự án, sẽ phải tập trung cho các dự án hiệu quả.
- Thưa Bộ trưởng, chỉ tiêu về cắt giảm chi tiêu công (10%) liệu có thực hiện được không khi mà các Bộ, ngành, địa phương đều kêu không thể giảm hơn được nữa?
- Không thể có chuyện không thực hiện vì lệnh của Chính phủ là các Bộ, các tỉnh phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên. Nguồn ngân sách là do Nhà nước cấp và các cơ quan có thẩm quyền sẽ trừ phần trăm vào nguồn ngân sách cấp cho các địa phương.
Còn đối với doanh nghiệp Nhà nước, Chính phủ đã chỉ đạo họ phải rà soát đầu tư và chi tiêu; sau này kiểm tra, nếu dự án nào không hiệu quả mà vẫn đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm. Tôi nghĩ có rất nhiều khoản có thể cắt giảm được như chi hội họp, mua sắm ôtô, xây dựng, cải tạo trụ sở...
Nam Anh (Ghi)