Đón cơ hội từ TPP: Doanh nghiệp nội lo khó cạnh tranh

ANTĐ - Nắm bắt thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTAs) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) một cách nhanh nhạy, nhiều doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tăng vốn vào Việt Nam. Thực tế này khiến doanh nghiệp Việt Nam không chỉ phải cạnh tranh với doanh nghiệp các nước tham gia hiệp định mà còn có đối thủ là các doanh nghiệp FDI.

Đón cơ hội từ TPP: Doanh nghiệp nội lo khó cạnh tranh ảnh 1Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị cho TPP

Vốn FDI tăng mạnh

Theo Bộ KH-ĐT, 9 tháng đầu năm 2015, FDI vào Việt Nam tăng đột biến so với cùng kỳ năm trước. 9 tháng qua, cả vốn FDI cấp mới và tăng thêm đạt tới 17,15 tỷ USD, tăng 53,4% so với cùng kỳ năm 2014. Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài đã nhìn thấy cơ hội lớn của Việt Nam khi ký kết hàng loạt FTAs và khả năng đàm phán thành công của TPP.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang chuyển dịch từ Trung Quốc về Việt Nam. “Việt Nam đã và đang chuẩn bị ký một loạt các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với Hàn Quốc, EU, Liên minh Kinh tế Á - Âu, Đối tác xuyên Thái Bình Dương...

Khi đó, hàng dệt may xuất khẩu vào các nước này sẽ được hưởng thuế 0%. Nhiều doanh nghiệp dệt may nước ngoài đã chuyển một phần quy mô sản xuất sang Việt Nam để tận dụng các lợi thế về chi phí lao động thấp, nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư, môi trường kinh tế tăng trưởng ổn định và ưu đãi về thuế do các hiệp định mang lại” - ông Vũ Đức Giang nói. Chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, số vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực dệt may là 2,8 tỷ USD, nhiều hơn con số 2 tỷ USD của cả năm 2014. Dự kiến, con số này còn tăng lên trong thời gian tới do hiệu ứng của TPP. 

Ông Hong Sun - Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cho hay, lĩnh vực ô tô, may mặc… sẽ được hưởng nhiều lợi ích từ TPP. Sắp tới, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư vào Việt Nam. Tại diễn đàn Đầu tư toàn cầu mới diễn ra, ông Eric Sidgwick - Tổng Giám đốc Quốc gia, Cơ quan Đại diện thường trú tại Việt Nam, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá: “Với TPP và các FTA, các doanh nghiệp FDI chuẩn bị, ứng phó tốt hơn. Ở góc độ nào đó, doanh nghiệp FDI đã đi trước trong cuộc chơi này”.

Chưa chuẩn bị được nhiều

The ông Eric Sidgwich, nhà đầu tư nước ngoài hoạt động ở nhiều thị trường khác nhau nên họ có cái nhìn tổng thể khi cân nhắc môi trường đầu tư, trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam lại không có được thế mạnh này. “Do đó, các doanh nghiệp trong nước phải nhận thức rõ hơn làm thế nào để cạnh tranh, sáng tạo và phát triển”- ông Eric nói.

Phấn khởi khi TPP đàm phán thành công, doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng lợi, song ông Nguyễn Văn Châu - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thúy Đạt lại lo khó cạnh tranh với các doanh nghiệp của các nước thuộc TPP và doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Châu cho biết: “Chúng tôi không lơ mơ về hội nhập mà nắm khá rõ, cập nhật kịp thời. Phần lớn doanh nghiệp tư nhân đều như vậy. Chúng tôi muốn thay đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền sản xuất mới, để giảm tiêu hao năng liệu, giảm chi phí nhân công… từ đó giảm giá thành và nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, nhưng thị trường vốn của mình còn quá cao”. Theo vị này, quy tắc xuất xứ không phải là mối lo lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam mà quan trọng là có tiền để đầu tư.

Đồng quan điểm, đại diện một doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may cho hay, lãi suất VND thấp nhất cũng ở mức 6-7%, còn lãi suất USD là 4-5%, trong khi đó, ở Mỹ, lãi suất là 0,25% và Nhật Bản còn thấp hơn. “Doanh nghiệp nào cũng muốn sản xuất theo dây chuyền khép kín, nên công nghiệp phụ trợ không phải là vấn đề quá lớn. Tuy nhiên, đầu tư máy may thì rẻ, còn đầu tư nhà máy dệt, kéo sợi tốn vài nghìn tỷ đồng. Với lãi suất như hiện nay, rủi ro cho doanh nghiệp rất cao. Nếu lãi suất ở mức 2-3%, chúng tôi sẵn sàng mở rộng đầu tư. Thực tế, chúng tôi đã chuẩn bị cho các FTA và TPP nhưng không được nhiều”- đại diện doanh nghiệp nhấn mạnh. 

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam rất năng động và họ sẽ thành công nếu tư duy đúng đắn và có ý chí. 

Hoàn thiện khung pháp lý để phù hợp với TPP

Đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng khi trao đổi với báo chí sáng 7-10, ngay khi trở về sau hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở Atlanta, Mỹ. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết: “Các yêu cầu của Hiệp định TPP rất cao, trong đó có việc thực thi khuôn khổ pháp lý, bao gồm các quy định có liên quan đến lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư và một số lĩnh vực khác. Những việc này hiện nay chúng ta đang làm.

Chúng ta sẽ tiếp tục sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp với tình hình mới đồng thời xây dựng, ban hành mới những quy định pháp luật khác. Theo tôi, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là hết sức quan trọng và cần thiết. Chúng ta cần phải làm ngay để bắt kịp tiến độ khi Hiệp định có hiệu lực”. Cũng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, TPP sẽ giúp Việt Nam tăng thu hút FDI vào lĩnh vực sản xuất và xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cao trình độ công nghệ…