Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Những quy định cần lưu ý về mua bán ngoại tệ ở Việt Nam

ANTD.VN - Thông tin về việc một công dân ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu đồng vì đổi 100 USD vừa qua đã khiến nhiều người dân hết sức hoang mang, bởi hoạt động mua bán ngoại tệ ở Việt Nam hiện nay vẫn đang khá nhộn nhịp, trong khi hầu hết mọi người đều “mù tịt” về quy định liên quan đến vấn đề này.

Hành vi mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị xử phạt rất nặng

Như ANTĐ đã đưa, UBND TP. Cần Thơ vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh N.C.R (sinh năm 1980, ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) số tiền 90 triệu đồng về hành vi “Mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ ”.

Cơ sở thu mua 100 USD của anh R cũng bị phạt với số tiền 180 triệu đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng cũng tịch thu tang vật là 100 USD cùng số tiền 2.260.000 đồng (được quy đổi từ 100 USD của anh R)...

Trước đó, anh R bị lực lượng chức năng bắt quả tang khi đang đổi 100 USD tại một cơ sở kinh doanh nữ trang ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Đổi 100 USD bị phạt 90 triệu: Những quy định cần lưu ý về mua bán ngoại tệ ở Việt Nam ảnh 2

Hoạt động mua bán ngoại tệ hiện vẫn đang khá nhộn nhịp, trong khi người dân hầu hết đều “mù tịt” về quy định xử phạt.

Thông tin này đã khiến nhiều người dân hoang mang, bởi hoạt động mua bán ngoại tệ hiện vẫn đang khá nhộn nhịp, trong khi người dân hầu hết đều “mù tịt” về quy định xử phạt. Ít người biết quy định về mua – bán ngoại tệ trái phép được quy định tại Nghị định 96/2014/NĐ-CP đang áp dụng chế tài rất nặng cho hành vi vi phạm này.

Sử dụng ngoại tệ tại Việt Nam như thế nào mới đúng luật?

Tại Việt Nam, việc quản lý, sử dụng ngoại tệ chịu sự điều chỉnh của Pháp lệnh ngoại hối 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2013) và các quy định khác có liên quan.

Theo đó, trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác (bao gồm cả quy đổi hoặc điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ, giá trị của hợp đồng, thỏa thuận) của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Những trường hợp sau đây được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam:

1. Cơ quan hải quan, công an, bộ đội biên phòng và các cơ quan Nhà nước khác tại các cửa khẩu của Việt Nam và kho ngoại quan được niêm yết bằng ngoại tệ và thu bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ người không cư trú đối với các loại thuế, phí thị thực xuất nhập cảnh, phí cung ứng dịch vụ và các loại phí, lệ phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối (sau đây gọi tắt là tổ chức tín dụng được phép) được giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận bằng ngoại hối trong phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức khác được phép cung ứng dịch vụ ngoại hối được giao dịch và niêm yết bằng ngoại tệ trong phạm vi cung ứng dịch vụ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép thực hiện theo quy định của pháp luật.

4. Người cư trú là tổ chức có tư cách pháp nhân được điều chuyển vốn nội bộ bằng ngoại tệ chuyển khoản giữa tài khoản của tổ chức đó với tài khoản của đơn vị phụ thuộc không có tư cách pháp nhân và ngược lại.

5. Người cư trú được góp vốn bằng ngoại tệ chuyển khoản để thực hiện dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

6. Người cư trú thực hiện hợp đồng ủy thác nhập khẩu, xuất khẩu theo quy định sau:

a) Người cư trú nhận ủy thác nhập khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác nhập khẩu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng nhập khẩu từ bên ủy thác nhập khẩu;

b) Người cư trú nhận ủy thác xuất khẩu được ghi giá trong hợp đồng ủy thác xuất khẩu bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản đối với giá trị hợp đồng xuất khẩu cho bên ủy thác xuất khẩu.

7. Người cư trú là nhà thầu trong nước, nhà thầu nước ngoài thực hiện theo quy định sau:

a) Đối với chi phí ngoài nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu thông qua đấu thầu quốc tế theo quy định tại Luật Đấu thầu: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.

b) Đối với việc thực hiện gói thầu theo quy định của pháp luật về dầu khí: nhà thầu được chào thầu bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ chủ đầu tư, nhà thầu chính để thanh toán, chi trả và chuyển ra nước ngoài.

8. Người cư trú là doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định sau:

a) Được báo giá, định giá, ghi giá dịch vụ bảo hiểm trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản từ bên mua bảo hiểm đối với hàng hóa, dịch vụ phải mua tái bảo hiểm ở nước ngoài;

b) Trường hợp phát sinh tổn thất đối với phần tái bảo hiểm ra nước ngoài, người cư trú là tổ chức mua bảo hiểm được nhận số tiền bồi thường bằng ngoại tệ chuyển khoản từ công ty tái bảo hiểm nước ngoài thông qua doanh nghiệp bảo hiểm để thanh toán các chi phí khắc phục tổn thất ở nước ngoài.

9. Người cư trú là tổ chức kinh doanh hàng miễn thuế được niêm yết giá hàng hóa bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa. Ngoại tệ sử dụng trong giao dịch tại cửa hàng miễn thuế thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bán hàng miễn thuế.

10. Người cư trú là tổ chức cung ứng dịch vụ ở khu cách ly tại các cửa khẩu quốc tế, tổ chức kinh doanh kho ngoại quan được niêm yết, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt từ việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ.

11. Người cư trú là tổ chức làm đại lý cho hãng vận tải nước ngoài trên cơ sở hợp đồng đại lý ký kết giữa hai bên thực hiện theo quy định sau:

a) Được thay mặt cho hãng vận tải nước ngoài báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ đối với cước phí vận tải hàng hóa quốc tế. Việc thanh toán phải thực hiện bằng đồng Việt Nam;

b) Được chi hộ bằng ngoại tệ chuyển khoản để thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ tại cảng biển quốc tế, khu cách ly tại sân bay quốc tế;

c) Được chi hộ bằng ngoại tệ tiền mặt để trả lương, thưởng, phụ cấp cho người không cư trú do hãng tàu biển nước ngoài ủy quyền.

12. Người cư trú là doanh nghiệp chế xuất thực hiện theo quy định sau:

a) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi mua hàng hóa từ thị trường nội địa để sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp hàng xuất khẩu hoặc để xuất khẩu, trừ hàng hóa thuộc diện cấm xuất khẩu. Doanh nghiệp trong nước được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi bán hàng hóa cho doanh nghiệp chế xuất;

b) Được báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán, nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản với doanh nghiệp chế xuất khác.

13. Người cư trú là tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực vận chuyển hàng không, khách sạn, du lịch được niêm yết, quảng cáo giá hàng hóa, dịch vụ bằng Đồng Việt Nam và ngoại tệ tương đương trên trang tin điện tử, ấn phẩm chuyên ngành (không bao gồm thực đơn và bảng giá dịch vụ) chỉ sử dụng tiếng nước ngoài.

14. Người cư trú, người không cư trú là tổ chức được thỏa thuận và trả lương, thưởng, phụ cấp trong hợp đồng lao động bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt cho người không cư trú và người cư trú là người nước ngoài làm việc cho chính tổ chức đó.

15. Người không cư trú là cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự được niêm yết bằng ngoại tệ và thu phí thị thực xuất nhập cảnh, các loại phí, lệ phí khác bằng ngoại tệ chuyển khoản hoặc tiền mặt.

16. Người không cư trú thực hiện theo quy định sau:

a) Được chuyển khoản bằng ngoại tệ cho người không cư trú khác;

b) Được ghi giá trong hợp đồng bằng ngoại tệ và thanh toán tiền xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ chuyển khoản cho người cư trú. Người cư trú được báo giá, định giá bằng ngoại tệ và nhận thanh toán bằng ngoại tệ chuyển khoản khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người không cư trú.

17. Đối với các trường hợp liên quan đến an ninh, quốc phòng, dầu khí và các trường hợp cần thiết khác, tổ chức được phép sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam sau khi được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chấp thuận bằng văn bản căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất cần thiết của từng trường hợp theo hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định.

Việc sử dụng ngoại tệ tại vùng biên giới, là trường hợp đặc biệt. Điều 26 Pháp lệnh ngoại hối quy định về sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam như sau: Việc sử dụng đồng tiền của nước có chung biên giới với Việt Nam thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Căn cứ quy định này, theo Thông tư 19/2018/TT-NHNN ngày 28/8/2018 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc (có hiệu lực từ ngày 12/10/2018), đồng tiền thanh toán trong hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc của thương nhân là ngoại tệ tự do chuyển đổi, VND hoặc NDT.

Đổi ngoại tệ ở đâu để không bị phạt?

Theo điều 24 Pháp lệnh ngoại hối, điều 23 Nghị định ngày 17/7/2014, người cư trú, người không cư trú là cá nhân có ngoại tệ tiền mặt được quyền cất giữ, cho, tặng, thừa kế, bán cho tổ chức tín dụng được phép, chuyển, mang ra nước ngoài theo các quy định tại Nghị định này, thanh toán cho các đối tượng được phép thu ngoại tệ tiền mặt.

 

Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ

tại tổ chức tín dụng được phép.

Người cư trú là công dân Việt Nam được sử dụng ngoại tệ tiền mặt để gửi tiết kiệm ngoại tệ tại tổ chức tín dụng được phép, được rút tiền gốc, lãi bằng đồng tiền đã gửi.

Việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân (đổi ngoại tệ) phải được thực hiện tại tổ chức tín dụng được phép theo quy định của Pháp lệnh ngoại hối và Thông tư số 20/2011/TT-NHNN ngày 29/8/2011 của Ngân hàng Nhà nước quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép.

Theo điều 3 Thông tư 20/2011/TT-NHNN, việc mua ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép bán ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật.

Việc bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân được thực hiện tại các địa điểm được phép mua ngoại tệ tiền mặt thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng được phép phù hợp với quy định của pháp luật và các đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép.

Tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức kinh tế không phải là tổ chức tín dụng muốn cung cấp dịch vụ đổi ngoại tệ phải đăng ký để được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 89/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đối với hoạt động đại lý đổi ngoại tệ, hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ của tổ chức kinh tế.