Đốc thúc cổ phần hóa doanh nghiệp

ANTD.VN - Báo cáo mới nhất về tình hình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cho thấy, mặc dù các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa năm 2017 có quy mô lớn, song tiến độ cổ phần hóa vẫn có thể đạt kế hoạch đã đề ra.

Các doanh nghiệp lớn phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hiệu quả của cổ phần hóa thì cần quy trách nhiệm những người trực tiếp tham gia cổ phần hóa.

Tái cơ cấu hàng chục doanh nghiệp Nhà nước lớn

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ở giai đoạn này, việc tái cơ cấu sẽ được thực hiện với đa số các doanh nghiệp Nhà nước lớn như: Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam, Tổng công ty Lương thực miền Nam (Bộ NN&PTNT), các Tổng công ty phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đang xây dựng kế hoạch cổ phần hóa. Trong khi đó, các doanh nghiệp thuộc ngành điện lực và dầu khí, xây dựng lại đang công bố giá trị doanh nghiệp như: Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Trong tháng 8-2017, cả nước có 7 đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 3 doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa giai đoạn 2017 - 2020  và 4 doanh nghiệp tiếp tục triển khai công tác cổ phần hóa theo đề án cơ cấu giai đoạn 2011 - 2016.

Lũy kế 8 tháng đầu năm 2017, đã có 33 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 10/44 doanh nghiệp thuộc danh mục doanh nghiệp Nhà nước hoàn thành cổ phần hóa năm 2017, còn lại là các doanh nghiệp chưa cổ phần hóa xong trong giai đoạn 2011-2016. Số lượng các doanh nghiệp cổ phần hóa nhiều, cộng với quy mô các doanh nghiệp cổ phần hóa trong giai đoạn này lớn nên nhiệm vụ cổ phần hóa ngày càng nặng nề.

Tiến độ cổ phần hóa vẫn chậm

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước trong 8 tháng đầu năm 2017 vẫn còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra. Nguyên nhân do một số lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn tư tưởng e ngại, chưa quyết liệt, sợ trách nhiệm trong triển khai công tác cổ phần hóa, thoái vốn.

Bên cạnh đó, đối tượng cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn này chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp, cần sự tham gia của nhiều nhà đầu tư lớn, có tiềm lực tài chính và năng lực quản trị, đầu tư tốt nên cần có nhiều thời gian chuẩn bị, xử lý, kiểm toán Nhà nước trước khi công bố giá trị doanh nghiệp.

Đánh giá về công tác này, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho hay: “Thông thường khi chúng ta đặt mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước lớn như hiện nay thì giai đoạn đầu là chuẩn bị, sau đó chúng ta sẽ thực hiện. Cổ phần hóa những tháng cuối năm sẽ được đẩy nhanh với với tốc độ cao. Do vậy khả năng hoàn thành mục tiêu là hoàn toàn có thể đạt được”.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo hiệu quả của cổ phần hóa thì cần quy trách nhiệm những người trực tiếp tham gia cổ phần hóa. Hiện trách nhiệm này chưa được thể hiện rõ ràng nên chỉ cần một khâu không thông suốt thì cả tiến trình sẽ bị chậm lại. Ngoài ra, cần thực hiện công khai minh bạch trong định giá doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa để tránh thất thoát, lãng phí. 

Sớm bán vốn tại Habeco và Sabeco: 

Trong báo cáo mới đây, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ giao Bộ Công Thương đẩy nhanh hơn tiến độ thực hiện bán toàn bộ vốn Nhà nước tại Tổng công ty Rượu-Bia-Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), đảm bảo hoàn thành xong để chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trước ngày 1-12-2017.

Trường hợp đến ngày 30-9-2017, Bộ Công Thương chưa hoàn thành việc công bố bản cáo bạch thoái vốn Nhà nước tại Sabeco hoặc Habeco, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn tại Sabeco và Habeco sang Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) để đảm bảo việc thoái vốn Nhà nước.

“Việc chuyển giao sẽ đảm bảo tiến độ thoái vốn nhanh hơn do SCIC là tổ chức chuyên trách thoái vốn, đã có kinh nghiệm, quy trình thoái vốn Nhà nước số lượng lớn; đảm bảo cải cách hành chính, tăng trách nhiệm, theo sát nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch. Đồng thời giúp Bộ Công Thương tập trung hoàn thành các nhiệm vụ về quản lý Nhà nước được Chính phủ giao” - đại diện Bộ Tài chính cho biết.