Độc quyền, không minh bạch trong chứng nhận sự phù hợp sản phẩm

ANTD.VN - Có quá ít tổ chức được quyền chứng nhận sự phù hợp, hoặc do các Bộ, ngành chỉ định dẫn đến độc quyền.

Cần minh bạch thủ tục kiểm tra hàng hóa, sản phẩm

Ngày 15-1, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Điểm lại pháp luật kinh doanh năm 2018”.

Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, qua rà soát, năm 2018, VCCI thấy có 16 Luật, 18 Nghị quyết của Quốc hội, 169 Nghị định của Chính phủ, 51 quyết định của Thủ tướng, 590 Thông tư của các Bộ và 47 văn bản khác đang tồn tại trong lĩnh vực kinh doanh, tác động rất lớn đến doanh nghiệp.

Tính đến tháng 10-2018, tất cả các Bộ, ngành đều hoàn thành chỉ tiêu cắt giảm ít nhất 50% điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực mình quản lý.

“Ít năm nào như năm 2018, cải cách về điều kiện kinh doanh diễn ra mạnh mẽ và thực chất hơn. Ở một số ngành, cải cách còn mang tính bước ngoặt”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, theo đại diện VCCI, mức độ cởi mở của các Bộ, ngành khi cắt giảm điều kiện kinh doanh rất khác nhau. Có Bộ công khai tham vấn cộng đồng doanh nghiệp và chuyên gia, song có Bộ lại âm thầm cắt giảm.

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại nhiều điều kiện kinh doanh bất hợp lý như: điều kiện kinh doanh đại lý tàu biển, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, điều kiện kinh doanh rượu… chưa được cắt giảm, do nằm ở các Luật, không thể sửa ngay được… can thiệp quá nhiều vào quyền kinh doanh của doanh nghiệp.

Về cắt giảm thủ tục hành chính, VCCI đánh giá việc cắt giảm này chưa thực chất. Chẳng hạn như quy định về rút tiền ký quỹ trong hoạt động kinh doanh đa cấp của Bộ Công Thương.

Đáng chú ý, trong hoạt động kiểm tra chứng nhận sự phù hợp còn cho thấy sự độc quyền, thiếu minh bạch.

“Có một số ít tổ chức được quyền chứng nhận sự phù hợp, hoặc các tổ chức do Bộ chỉ định… dẫn đến tình trạng độc quyền. Điển hình như chứng nhận sự phù hợp trong lĩnh vực phân bón.

Một số trường hợp khác vẫn do cơ quan Nhà nước đứng ra kiểm tra như: kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu… gây khó khăn cho doanh nghiệp”- ông Đậu Anh Tuấn nói.

Theo kinh nghiệm quốc tế, cơ quan Nhà nước chỉ nên ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn và giám sát, còn việc thực hiện nên do các tổ chức độc lập làm. Để đảm bảo chất lượng và tính minh bạch, các tổ chức này cần đáp ứng các tiêu chí rõ ràng, minh bạch.

Đồng quan điểm với đánh giá này, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu vấn đề: “Hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc gỡ bỏ rào cản kinh doanh. Đây là việc tất yếu phải làm. Còn làm thế nào để thúc đẩy kinh doanh thì chưa thấy có.

Mặt khác, động lực cải cách vừa qua đều xuất phát từ Chính phủ. Phải làm gì nếu động lực này không còn. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chất lượng kinh doanh cũng vẫn là thách thức”.

Theo đó, có những dài 30 trang, chỉ có 2 điều về điều kiện kinh doanh, nhưng kèm theo đó là vô số phụ lục buộc doanh nghiệp phải thực hiện theo.

Đại diện CIEM kiến nghị, cần thay đổi cách tiếp cận về cải thiện môi trường kinh doanh. Cụ thể, “Chính phủ nên bãi bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh không cần tranh cãi, như: các điều kiện phải được tập huấn bởi cơ quan Nhà nước, dành cho các tổ chức có thể tập huấn chất lượng hơn;

Cấp chứng chỉ hành nghề tại cơ quan Nhà nước; Bãi bỏ điều kiện phải có 3 năm kinh nghiệm mới được làm việc… Đồng thời, cần đầu tư cho người làm chính sách để chính sách thực sự có chất lượng”- ông Phan Đức Hiếu nói.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng, để có môi trường kinh doanh an toàn, thuận lợi thì còn nhiều gian nan.

“Có quan điểm cho rằng ta đang yếu ở thực thi, nhưng tôi cho rằng đó mới đúng một nửa. Ta đang nghẽn ở thể chế. Theo tôi, nếu Luật đang tạo ra rào cản đối với doanh nghiệp, thì dù chỉ sửa đổi mấy chục dòng, cũng nhất định phải làm”- ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.