Doanh nghiệp vẫn lơ mơ về hội nhập

ANTĐ - Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia ký kết 10 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 6 FTA đa phương và 4 FTA song phương. Đây được coi như những “con đường lớn” cho hàng Việt lan tỏa ra khắp thế giới. Nhưng dường như, chưa nhiều doanh nghiệp ý thức được điều này.

Từ từ nghe ngóng

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, ông Hoàng Vệ Dũng đã phải thốt lên rằng: “Thấy Việt Nam ký hàng loạt FTA, doanh nghiệp nước ngoài xông ra đầu tư mạnh. Trong khi đó, doanh nghiệp nội vẫn còn… nghe ngóng”! Thực tế này cho thấy doanh nghiệp FDI quan tâm, hiểu biết về FTA  và tin tưởng cơ hội do FTA mang lại hơn doanh nghiệp Việt Nam. “Nhiều doanh nghiệp dệt may chưa ý thức được lợi ích của hội nhập. Trong khi 10 năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 15-20%/năm, đây chính là kết quả của hội nhập”- ông Hoàng Vệ Dũng nhấn mạnh.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất thiết bị phụ trợ tại cụm công nghiệp Từ Liêm cho hay, công ty nhỏ của ông đã thành lập được 20 năm, nhưng đến nay, khách hàng và lối sản xuất kinh doanh vẫn không có gì thay đổi. “Chúng tôi có xuất khẩu gì đâu mà quan tâm tới hội nhập. Kể cả hàng hóa nước ngoài có tràn vào thì chúng tôi vẫn có đối tác truyền thống”- vị đại diện doanh nghiệp lạc quan nói.

Doanh nghiệp vẫn lơ mơ về hội nhập ảnh 1

Doanh nghiệp nên chủ động hội nhập, thay vì đứng bên trong đối phó

Sự thờ ơ của doanh nghiệp trước hội nhập đã được đại diện các bộ, ngành và hiệp hội doanh nghiệp thừa nhận. Bằng chứng là việc có tổ chức hội nghị, tọa đàm, tập huấn để tuyên truyền cũng không mấy doanh nghiệp quan tâm. Ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội thừa nhận: “Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa hầu như chưa được chuẩn bị hành trang cho hội nhập. Họ vẫn thụ động điều chỉnh mình nhiều hơn là chủ động hội nhập”.

Trong khi đó, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới 96% tổng số doanh nghiệp. Điều này cũng lý giải vì sao, hiện chỉ có 36% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào mạng lưới sản xuất theo định hướng xuất khẩu, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia và Thái Lan là 60%. Đặc biệt, chỉ có 21% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. 

Không thể đứng ngoài cuộc

PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay, một số nước trong khu vực ASEAN tuyên truyền về hội nhập rất bài bản. Tại Thái Lan, để phổ biến thông tin về cộng đồng ASEAN sắp được thành lập, nước này đã tuyên truyền từ trường học, thành lập thư viện ASEAN, nhạc viện… Quá trình này thu hút sự tò mò của người dân nên họ tự tìm hiểu. Đến những nơi này, người dân Thái Lan không chỉ tìm hiểu về kinh tế, thương mại của các nước đối tác, mà còn được tìm hiểu về văn hóa, con người. Hay tại Malaysia, trường Đại học Quốc gia của Malaysia đã thành lập mạng lưới nghiên cứu ASEAN. “Họ hiểu về các nước khác khi hội nhập để chủ động ra ngoài đầu tư, kinh doanh, thay vì chỉ bị động đứng bên trong đối phó”- PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nói.

Nhằm giúp cán bộ quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và đông đảo tầng lớp nhân dân kịp thời nắm bắt thông tin, hiểu, ủng hộ và thực hiện tốt hơn nữa về các chủ trương, cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về Đề án “Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về hội nhập kinh tế quốc tế”. Đối tượng trọng tâm trong công tác này chính là doanh nghiệp Việt Nam. Nhiều ý kiến đánh giá, sự mơ hồ của doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua xuất phát từ công tác tuyên truyền còn chung chung, chưa đúng trọng tâm, trọng điểm, kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn cho rằng, mục tiêu tuyên truyền bớt “chung chung” để mọi đối tượng đều hiểu là không khả thi. Thay vào đó, cần phân loại đối tượng và tham khảo kinh nghiệm của các nước. Riêng đối với doanh nghiệp, nếu cần có thông tin chuyên sâu, có thể nhờ các cơ quan tư vấn. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp chính là đối tượng chịu tác động nhiều nhất, trực tiếp nhất trong hội nhập. Vì vậy, không thể mãi sản xuất kinh doanh theo phương thức cũ khi kinh tế toàn cầu biến đổi không ngừng.

Bà Sherry Boger - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) có tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, tạo công ăn việc làm. Dự báo, với TPP, xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng 28,4%. Kim ngạch xuất khẩu dự kiến của Việt Nam năm 2025 khi không có TPP là 239 tỷ USD và con số này tăng lên 307 tỷ USD nếu có TPP. Ngoài ra, mức tăng trưởng GDP khi tham gia TPP cũng rất cao.