Nhân Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam 2017:

Doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng là tài sản

ANTD.VN - Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp thành công luôn là những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh ưu tiên hướng về người tiêu dùng.

Quyền của người tiêu dùng (NTD) mang tính mở, với yêu cầu ngày càng đa dạng và cao hơn, nổi bật là quyền được tiếp cận, tiêu dùng các hàng hóa, dịch vụ trong cuộc sống thường ngày an toàn, thuận lợi, với chất lượng cao và giá cả phù hợp; cũng như được tiếp nhận nhanh và xử lý thỏa đáng những khiếu nại về chất lượng hàng hóa và dịch vụ…

Doanh nghiệp phải coi người tiêu dùng là tài sản ảnh 1Cơ quan chức năng đóng vai trò “hàng rào” ngăn sản phẩm kém chất lượng đến tay người tiêu dùng

Nhà sản xuất chối phăng trách nhiệm

Tuy nhiên, trên phạm vi cả nước và mỗi địa phương, còn nhiều bất cập và hạn chế về cơ sở pháp lý, nhận thức, sự quan tâm và hiệu lực, hiệu quả triển khai trên thực tế trong hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Tình trạng doanh nghiệp cố tình vi phạm quyền lợi NTD còn khá phổ biến, nhất là ở lĩnh vực an toàn thực phẩm, an toàn thông tin, chất lượng hàng hóa.

Tại Hà Nội, trong 5 năm 2011-2016, các cơ quan chức năng kiểm tra hơn 824.000 cơ sở, phát hiện hơn 135.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, xử lý hơn 41.000 vụ, phạt tiền hơn 18.500 cơ sở với tổng số tiền phạt trên 92 tỷ đồng, tiêu hủy thực phẩm không đảm bảo chất lượng giá trị gần 48 tỷ đồng.  Một số vụ kéo dài và phức tạp thiếu hợp tác giữa NTD với cơ quan chức năng, còn nhà sản xuất thì thiếu tôn trọng khách hàng và chối bỏ trách nhiệm. 

Trong bối cảnh đó, bảo đảm quyền của NTD không thể trông cậy thụ động và khoán trắng cho doanh nghiệp, mà tùy thuộc ngày càng chặt chẽ vào sự nhận thức đầy đủ, sâu sắc, sự hoàn thiện luật pháp và sự chung tay hành động mạnh mẽ hơn nữa từ phía các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội và chính cộng đồng NTD.

Bảo vệ như thế nào?

Nhà nước cần tăng cường năng lực thể chế bảo vệ quyền người tiêu dùng từ trung ương đến địa phương; điều chỉnh và cụ thể hóa các chính sách, cơ chế hoạt động, quy trình tiếp nhận, xử lý tranh chấp giữa người tiêu dùng và người cung cấp hàng hóa; luật hóa các tiêu chuẩn chất lượng và các “hàng rào kỹ thuật” quốc gia; đề cao sự minh bạch nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Nhận diện và loại trừ nhanh chóng, kiên quyết những hành vi vô cảm, vô trách nhiệm, vô đạo đức và những biểu hiện phi nhân văn, ích kỷ; đồng thời hỗ trợ tích cực cho các tổ chức xã hội, bảo vệ quyền an toàn người tiêu dùng. 

51 là số hội, tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ người tiêu dùng trên cả nước, tư vấn, hỗ trợ khoảng 4.000 vụ việc khiếu nại mỗi năm 

Các bộ, ban, ngành địa phương cần được phân công và phối hợp trách nhiệm rõ ràng, cụ thể, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và cá nhân được giao; đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai nghiêm túc, hiệu quả các quy định của pháp luật; Đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhận diện đúng và nhanh chóng, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.

Phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cơ quan tổ chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi NTD, khuyến khích thành lập và giới thiệu các tổng đài, số điện thoại nóng, các trang tin và các văn phòng bảo vệ NTD nhằm tăng cường kết nối, cập nhật các thông tin về Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; tiếp nhận và giải quyết khiếu nại của NTD; tổ chức các hội thảo và tăng cường các hoạt động tuyên truyền đa dạng, thiết thực khác về quyền của NTD, giúp họ nhận thức rõ hơn về quyền của mình và cách thức hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết quyền lợi của mình.

Hơn nữa, bản thân NTD cũng cần nhận thức đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, vượt qua tâm lý ngại khiếu nại, ngại thủ tục, thời gian giải quyết lâu, chi phí cao. 

Doanh nghiệp vì quyền lợi NTD là doanh nghiệp ngày càng đề cao đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, tuân thủ các quy chuẩn công nghệ sản xuất và minh bạch hóa các chỉ tiêu chất lượng, phát triển các dịch vụ hậu mãi thân thiện, tiện lợi cho NTD...

Thực tế cả trong nước và trên thế giới đã, đang và sẽ còn tiếp tục cho thấy, những doanh nghiệp thành công luôn là những doanh nghiệp có triết lý kinh doanh ưu tiên hướng về NTD, coi NTD không chỉ là khách hàng, mà còn là tài sản của doanh nghiệp. Bảo đảm quyền NTD phải trở thành nhận thức chung, thước đo nhân quyền, và mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân, đồng thời là động lực cho sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và đất nước.