Doanh nghiệp nói gì về nhận định "Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ 1 cái đinh vít"?

ANTD.VN - Mặc dù chen chân vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia là việc không dễ dàng, nhưng doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có khả năng làm đối tác của những tập đoàn lớn. 

Ông Châu Bá Long- Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Minh Nguyên, một trong số ít đối tác cấp 1 của Samsung đã có chia sẻ xung quanh câu chuyện của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp nói gì về nhận định "Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ 1 cái đinh vít"? ảnh 1

Ông Châu Bá Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Minh Nguyên

Nói về công nghiệp hỗ trợ, có 1 câu nói mà nhiều người vẫn nhắc từ vài năm gần đây, đó là “Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ 1 cái đinh vít”. Ông nghĩ câu nói này có còn đúng trong bối cảnh hiện nay?

- Tôi cho là không, tới thời điểm hiện tại đã có nhiều đơn vị cung ứng linh kiện điện tử. Đơn cử như với Samsung, hiện nay nhiều doanh nghiệp Việt Nam không chỉ là nhà máy tập lắp ráp linh kiện điện tử mà còn là nơi trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử quan trọng.

Nhờ việc trực tiếp sản xuất những linh kiện điện tử trọng tâm của điện thoại thông minh như: kính 3D, camera, khung kim loại, màn hình, pin… mà tỷ lệ nội địa hóa của Samsung đã tăng lên 58%. Trong số này, Công ty Minh Nguyên chúng tôi cũng đã tham gia ở nhiều hạng mục.

Ngoài ra, chúng tôi còn đang sản xuất sản phẩm linh kiện nhựa và khuôn mẫu chất lượng cao. Công ty cung ứng linh kiện cho nhiều ngành công nghiệp: hàng gia dụng kỹ thuật số, linh kiện điện tử, phụ tùng xe hơi cho một số nhãn hàng nổi tiếng như Mitsubishi…

Câu nói đó tuy hiện nay đã không còn đúng với thực tế, nhưng cũng vì “tự ái” vì câu nói này mà chúng tôi mới có Minh Nguyên ngày nay.

- Theo thống kê của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có khoảng 1.800 doanh nghiệp CNHT, nhưng chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng của công ty đa quốc gia. Tại sao sau nhiều năm định hướng trở thành quốc gia công nghiệp, CNHT của Việt Nam vẫn chậm phát triển như vậy?

- Có nhiều lý do dẫn tới vấn đề này, nhưng tới thời điểm này, doanh nghiệp rất cần Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ về lãi suất, tiếp cận vốn vay, chính sách vay vốn từ nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ đất phát triển nhà xưởng sản xuất, các quy định về đầu tư, hỗ trợ lãi vay về nhập khẩu trang thiết bị từ nước ngoài…

Ngay khi từ Australia về, tôi nhận ra rằng thị trường của Việt Nam có nét giống với Thái Lan, trong tương lai gần sẽ phát triển về CNHT cho ô tô.

- Có nghĩa những yếu tố trên đang là một trong những vấn đề khó khăn nhất của doanh nghiệp CNHT Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Doanh nghiệp nói gì về nhận định "Việt Nam không thể sản xuất nổi dù chỉ 1 cái đinh vít"? ảnh 2

Không ít doanh nghiệp Việt Nam đã được chọn là nhà cung ứng cấp 1 của các tập đoàn đa quốc gia

- Thứ nhất là về vốn, nếu doanh nghiệp không đủ vốn thì khó tiếp cận với chuỗi cung ứng vì họ sẽ có đơn hàng liên tục. Nếu họ phát triển, mình phải phát triển theo. Nếu không đủ vốn thì không đi tiếp được nữa.

Thứ hai là nguồn nhân lực, phải có đủ nhân lực với kiến thức và kinh nghiệm, nhằm giảm bớt rủi ro.

Với riêng tôi, Việt kiều từ Australia về, thời gian đầu cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi không biết phải tiếp cận đất đai, thủ tục về CNHT như thế nào.

- Theo ông, các doanh nghiệp CNHT nhỏ và vừa chưa là đại lý cấp 1, nên bắt đầu từ đâu để theo đuổi mục tiêu sẽ trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn lớn?

- Khi mình tham gia chuỗi cung ứng các tập đoàn, họ sẽ quan tâm mình có mindset- Tư tưởng, nỗ lực cố gắng ra sao. Tại sao tôi lại nói từ Mindset: tư tưởng của mình phải thay đổi, tư tưởng chịu thay đổi? Những điều này các tập đoàn rất là thích vì mình sẽ phải thay đổi về công nghệ, thị trường… Hay nguồn nhân lực, nếu mình không đào tạo nguồn nhân lực sẽ không bám sát được công nghệ, khi ấy mình không thể sản xuất được sản phẩm đạt yêu cầu chất lượng của họ đề ra.

Bên cạnh đó, khi mình muốn tham gia vào chuỗi cung ứng, họ có rất nhiều tiêu chí đánh giá cho một doanh nghiệp. Muốn đạt được không chỉ là các công nhân từ cấp quản lý lên tới quản lý cấp cao mà từ trên xuống dưới phải đồng lòng, cái nào mình không biết thì học, cái nào mình cần phải đào tạo.

Các tập đoàn đều có chuyên gia hỗ trợ cho mình, khi mình gặp vấn đề khó sẽ hỏi và hỗ trợ được gì họ sẽ nói ngay. Minh Nguyên cũng được Samsung, Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh tạo điều kiện tham gia các chương trình tư vấn. Qua đó, doanh nghiệp cải tiến sản xuất, kiểm soát chất lượng. Sau đó, Samsung sẽ đánh giá sự cải tiến của mình và họ đánh giá, lựa chọn mình nhà là cung ứng cấp 1, cấp 2 hay cấp 3.

Xin cảm ơn ông!