Doanh nghiệp lớn ngang nhiên dùng phần mềm lậu

ANTĐ - Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện nên những yêu cầu, cam kết về sở hữu trí tuệ ngày càng cao. Theo ông Trần Văn Minh - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL, nếu vi phạm sở hữu trí tuệ, đặc biệt là bản quyền phần mềm, Việt Nam sẽ rất khó để hội nhập.

Doanh nghiệp lớn ngang nhiên dùng phần mềm lậu ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra bản quyền phần mềm tại một doanh nghiệp

Vi phạm tràn lan

Trong vòng 1 tháng, từ 31-3 đến hết tháng 4-2015, hưởng ứng “Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4”, lực lượng chức năng đã triển khai 8 cuộc thanh tra đối với các doanh nghiệp nghi sử dụng phần mềm không bản quyền, phát hiện các phần mềm lậu giá trị đến hơn 13,5 tỷ đồng. 

Ông Trần Văn Minh - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT& DL cho biết: “Chúng tôi phát hiện số lượng lớn phần mềm máy tính không phép khi kiểm tra 8 doanh nghiệp nước ngoài lớn. Cụ thể, có hơn 1.000 phần mềm không phép cài đặt trên 493 máy vi tính đang được các doanh nghiệp vi phạm sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều đáng lên án là các doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp lớn, có tiềm lực tài chính, hiểu rõ về Luật Sở hữu trí tuệ nhưng vẫn cố tình vi phạm, sử dụng bất hợp pháp tài sản trí tuệ của người khác để làm lợi cho mình”. Ngoài ra, lực lượng liên ngành còn thanh tra đột xuất 15 doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM, Bình Dương... với 822 máy tính. Tổng số tiền phạt các doanh nghiệp sử dụng phần mềm không có bản quyền gần 500 triệu đồng. 

Thiệt đơn thiệt kép

Ông Roland Chan - Giám đốc cấp cao phụ trách Chương trình tuân thủ, khu vực châu Á - Thái Bình Dương (thuộc Liên minh phần mềm BSA) cho rằng, trong xu thế hội nhập, các doanh nghiệp phải tự quyết định việc sử dụng phần mềm có giấy phép hay không. Quyết định này không chỉ là việc tuân thủ pháp luật mà còn liên quan trực tiếp đến an ninh mạng và kinh tế. Nếu bị phát hiện sử dụng phần mềm lậu, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt, buộc bồi thường cho chủ sở hữu và mua phần mềm mới thay thế. Ở tầm vĩ mô, khi hội nhập, các quốc gia phát triển trên thế giới yêu cầu rất cao về sở hữu trí tuệ, sử dụng phần mềm có bản quyền, nên nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn cố tình vi phạm thì sẽ “một mình một chợ”.

Theo kết quả điều tra của BSA thực hiện năm 2014 tại 81 quốc gia trên thế giới, mất an ninh mạng có mối liên hệ chặt chẽ với việc sử dụng phần mềm không có giấy phép. Việt Nam hiện vẫn là một trong những tâm điểm của tấn công mạng. Năm 2014, trong vòng 1 tuần từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, các cơ quan chức năng đã ghi nhận 745 vụ tấn công mạng, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp và tổ chức.

Tuy nhiên, BSA đánh giá, Việt Nam đang rất nỗ lực trong việc giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm. Năm 2004, tỷ lệ vi phạm của Việt Nam là 92%, nhưng đến năm 2013, giảm xuống còn 81%. Xét về giá trị thiệt hại, Việt Nam mất khoảng 620 triệu USD trong năm ngoái, trong khi con số này ở Trung Quốc là hơn 8,7 tỷ USD. Trong các năm sắp tới, Việt Nam đặt mục tiêu giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm xuống còn 70%. 

Theo ông Trần Văn Minh, nhận thức của các tổ chức, doanh nghiệp về phần mềm bản quyền nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung ngày càng tăng. “Đơn vị nào có tư tưởng chống đối thì không thể phát triển bền vững” - Phó Chánh Thanh tra Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh.

Ông Phạm Văn Toàn - Phó Chánh Thanh tra Bộ KH-CN cho biết, trong “Tháng hưởng ứng Ngày sở hữu trí tuệ thế giới”, các lực lượng chức năng đã tiếp nhận 18.329 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, buôn bán hàng giả (tăng trên 4.000 vụ so với năm 2013); xử lý 18.209  vụ việc. Trong đó, phạt cảnh cáo 10 vụ việc; phạt tiền 18.034 vụ việc với tổng số tiền phạt trên 73 tỷ đồng; khởi tố 120 vụ án về hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ với 196 bị can; cơ quan kiểm sát đã truy tố 84 vụ với 140 bị can. Ngoài ra, Bộ KH-CN cũng gửi thư trực tiếp tới 5.000 doanh nghiệp, khuyến khích bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ, trong đó chủ yếu là phần mềm máy tính.