Doanh nghiệp dệt may: Méo mặt vì kiểm tra chuyên ngành

ANTĐ - Có doanh nghiệp tốn tới hơn 1 tỷ đồng/năm chỉ dành riêng cho kiểm tra nồng độ formaldehyt và amin thơm trên sản phẩm theo Thông tư 37 của Bộ Công Thương. Các chuyên gia cho rằng, cần sửa đổi thông tư này để doanh nghiệp giảm thời gian làm thủ tục cũng như bớt chi phí.
Doanh nghiệp dệt may: Méo mặt vì kiểm tra chuyên ngành ảnh 1

Chi phí kiểm tra chuyên ngành đối với hàng dệt  may rất lớn - Ảnh: Phú Khánh

Tốn kém vì kiểm tra

Theo phản ánh của một doanh nghiệp dệt may, chi phí cho mỗi mẫu kiểm tra formaldehyt và amin thơm trên sản phẩm là 1,67 triệu đồng/mẫu. Trung bình mỗi lô hàng, doanh nghiệp cần kiểm tra 3-4 mẫu, thậm chí có lô  kiểm tra tới 7 mẫu và phải chờ từ 3-5 ngày mới được trả kết quả. “Nếu muốn lấy kết quả ngay trong ngày, doanh nghiệp phải tốn thêm khoảng 700.000 đồng. Chỉ riêng kiểm tra chuyên ngành,  chi nhánh ở Hà Nội của chúng tôi đã tốn khoảng 1 tỷ đồng/năm, còn công ty tại TP.HCM tốn gần 3 tỷ đồng” - đại diện doanh nghiệp kêu trời.

Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, Thông tư 37 đã làm cho các doanh nghiệp rất “lúng túng” trong việc tìm hiểu và thực hiện. Các quy định kiểm dịch tại Thông tư này vừa gây tốn kém chi phí, vừa tốn thời gian lưu kho bãi hàng tại các cảng. 

Ông Phạm Thanh Bình - Nguyên Cục trưởng Cục giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, Thông tư 37 được Bộ Công Thương ban hành năm 2015, thay thế cho Thông tư 32 trước đó và đã có một số sửa đổi theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: giấy tờ giảm 50%, nhiều hình thức kiểm tra với mức độ kiểm tra khác nhau, kích thước mẫu nhỏ hơn, công nhận nhãn sinh thái... Tuy nhiên,  những sửa đổi này chưa tháo gỡ được những bất hợp lý của Thông tư 32, thậm chí một số quy định còn kém thuận lợi hơn so với thông tư cũ. 

Đại diện Tổng Công ty May Nhà Bè cho rằng, những góp ý của doanh nghiệp trước khi ban hành Thông tư 37 đã không được lưu ý, khiến doanh nghiệp mệt mỏi, bức xúc. Vị này cho biết thêm: “Trong 9 tháng đầu năm 2015, doanh nghiệp đã nhập 116 chuyến hàng, chi phí kiểm tra formaldehyt và amin thơm cho mỗi chuyến hàng là 93 USD. Việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và các amin thơm được xem là hình thức/thủ tục được triển khai từ 2009, nhưng thử hỏi các đơn vị kiểm nghiệm đã phát hiện được bao nhiêu lô hàng có hàm lượng vượt quy định để ngăn chặn?”.

Cần thiết sửa đổi

Giải đáp bức xúc của doanh nghiệp, đại diện cơ quan soạn thảo Thông tư 37 cho hay, đối tượng kiểm tra theo Thông tư này chỉ gồm các sản phẩm dệt may tiêu thụ nội địa, nhưng để chứng minh hàng nhập khẩu không tiêu thụ nội địa thì mọi lô hàng đều phải kiểm tra. Theo ông Phạm Thanh Bình, kiểm soát như trên là “bắt nhầm hơn bỏ sót”. Do đó, Thông tư này cần được sửa đổi theo hướng chia sản phẩm dệt may nhập khẩu thành 2 loại và quy định cách thức quản lý đối với mỗi loại.

Cụ thể, đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu để gia công xuất khẩu sẽ không thuộc đối tượng kiểm tra formaldehyt và amin thơm. Riêng việc phân loại này sẽ giảm 60-70% các trường hợp kiểm tra. Đối với sản phẩm dệt may nhập khẩu để tiêu thụ nội địa, phải kiểm tra formaldehyt và amin thơm nhưng áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong kiểm tra với các mức độ khác nhau…

Đại diện Bộ Công Thương cho biết, khi hệ thống công nghệ thông tin được cải thiện, Bộ sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong việc trả kết quả, nhằm giảm thời gian, phiền hà cho doanh nghiệp. Những vướng mắc khác cũng sẽ được nghiên cứu và sửa đổi cho phù hợp.