Doanh nghiệp bất động sản "nghĩ đến pháp lý là sợ"

ANTD.VN - Một trong những vấn đề đối với thị trường bất động sản là khung pháp lý, khung pháp lý hiện nay đang được hoàn thiện nhưng vẫn đi dòng chảy, xu thế của thị trường. Nhiều doanh nghiệp “nghĩ đến pháp lý là sợ”.

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia, đại diện doanh nghiệp được đưa ra tại buổi tọa đàm “Thăng trầm bất động sản 2019 – 2020: Những xu hướng sắp tới” vừa được tổ chức chiều nay, 6/6 tại FLC Samson Beach & Golf Resort…

Doanh nghiệp sợ nhất là… pháp lý

Nhận định về bất động sản giai đoạn 2010-2020, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam  cho rằng, 10 năm trước, Việt Nam thừa nhà ở, nhiều người cho rằng bất động sản là dịch vụ chứ không phải kinh doanh nên thả trôi cho tự sinh tự diệt. Nhưng hiện nay, xu thế đó đã đảo ngược, thị trường luôn trong tình trạng không đủ để bán.

Theo ông Hà, 10 năm qua những người lạc quan nhất cũng không tưởng tượng được thị trường sẽ thành công như hiện nay. Ông đánh giá cao sự thay đổi trong công tác quản lý và phát triển bên cạnh việc bản thân doanh nghiệp tự tìm hướng đi, vượt qua khó khăn lúc thị trường ở thời kỳ đầu.

Trong 10 năm qua, mỗi năm Việt Nam phát triển 60 triệu m2 nhà, tăng 6,5 m2 trên đầu người trong một năm. Thị trường nghỉ dưỡng cũng thay da đổi thịt với hàng trăm dự án trải dài khắp các trung tâm du lịch. Tính mỗi sản phẩm có giá khoảng 2 tỷ đồng, thị trường này đã trị giá khoảng 250.000 tỷ. Những vùng kém phát triển trước đây cũng trỗi dậy mạnh mẽ nhờ bất động sản nghỉ dưỡng.

“Tôi cho rằng vực dậy bất động sản sẽ là tiền đề cho hàng loạt những ngành kinh tế khác. Hiện tổng thu liên quan đến bất động sản chiếm khoảng 10% GDP đủ cho thấy sức ảnh hưởng lớn lao của lĩnh vực này đến nền kinh tế” – ông Hà nhận định.

Tại buổi tọa đàm, nhiều chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề đối với thị trường bất động sản là tính pháp lý. Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC cho rằng luật pháp đi theo thị trường nhưng lại khá chậm trễ.

Ông lấy ví dụ, có những dự án đầu tư hàng trăm hecta, đầu tư xong được hướng dẫn đấu thầu, xong đến đấu giá, mỗi nơi một cách hiểu khác nhau, doanh nghiệp khốn khổ nhưng phải chấp nhận.

“Với cơ chế như bây giờ, phải mất ít nhất 3 năm mới đủ giấy phép để thi công một dự án" - ông Quyết nói và cho rằng "pháp lý hiện tại ngày càng khó khăn, doanh nghiệp nghĩ đến pháp lý là sợ".

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam cho  rằng pháp lý là "bệnh nền" nguy hiểm, dễ dẫn đến việc doanh nghiệp khủng hoảng nhanh hơn trong Covid-19.

"Lĩnh vực nào cũng có khó khăn, muốn giải toả những cơ chế chính sách về bất động cần cầm cự đến 2023 theo chu kỳ chung trước đây. Vậy làm thế nào để tồn tại trong thời gian này?", ông Hải đặt câu hỏi. Ông cho rằng, doanh nghiệp bất động sản cần chữa sớm "bệnh nền" pháp lý như cách người nhiễm Covid-19 chữa bệnh nền.

Nêu hàng loạt vấn đề về pháp lý đối với các doanh nghiệp bất động sản, bà Hà Thu Thanh - Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho biết, Covid-19 khiến chúng ta nghĩ nhiều đến việc thay đổi, phục hồi nhưng còn có quá nhiều vướng mắc pháp lý trong dự án từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, thiết kế...

“Khi tư vấn cho doanh nghiệp về các hoạt động phát hành trái phiếu, huy động vốn có rất nhiều điều luật về luật bất động sản, luật nhà ở... bị vênh. Đây là rào cản với các doanh nghiệp địa ốc”, bà Thanh nói.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng nêu ví dụ có khu đất của doanh nghiệp này mua từ năm 2007, nhưng đến giờ vẫn chưa xây sau 14 năm chờ giải toả mặt bằng, thực hiện các thủ tục pháp lý.

“Có những chính sách 20 năm chưa thay đổi, không phù hợp với thị trường” – ông Dũng nói.

Doanh nghiệp lạc quan về thị trường

Với kinh nghiệm thị trường, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng."Hà Nội có trên dưới 1.000 toà nhà, là rất nhỏ so với Thượng Hải -Trung Quốc, Singapore có hàng trăm nghìn toà nhà.

Theo ông, tâm lý của người Việt Nam là muốn ở nhà riêng, nên nhu cầu với thị trường bất động sản rất lớn, nếu Chính phủ và các địa phương rút ngắn thời gian làm thủ tục, sát nhập những quy định gần nhau làm một, có thể tạo điều kiện để bất động sản phát triển.

“Tại sao bất động sản chưa phát triển tốt như nước khác? Một trong các nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách, thủ tục hành chính công. Thứ 2, Ngân hàng Nhà nước thiếu các chính sách hợp lý cho room tín dụng bất động sản”, ông Dũng nói.

Về xu hướng bất đống sản trong tương lai, ông Nguyễn Tuấn Hải - Chủ tịch Tập đoàn Alphanam đưa ra nhận định, nhu cầu về nhà ở vẫn tăng trưởng theo sự tăng trưởng của đất nước mà khung pháp lý thì không đáp ứng được.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng thời gian tới thị trường bất động sản sẽ nhiều khởi sắc.

“Người có tiền vẫn xuống tiền để mua nhà, chứ không tiết kiệm như trước đây, ông nhận định. Trong thời gian ngắn, bất động sản là nhu cầu thiết yếu, nhưng vẫn cần suy tính đến nhu cầu tương lai với nhà ở tiêu chuẩn cao hơn so với bây giờ, đặc biệt là sản phẩm nhà thông minh” – ông Hà nói.

Cùng quan điểm, bà Hà Thu Thanh, đại diện Deloitte một lần nữa khẳng định, xu hướng bất động sản là rất lạc quan. Trong đó, cùng với các phân khúc như nhà ở, văn phòng, bất động sản công nghiệp "sẽ là điểm rất sáng" vì xu hướng dịch chuyển sản xuất, tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chiến lược "Trung Quốc +1".

"Trước đây, nếu như đầu tư bất động sản hướng đến ưu đãi, thuế, giảm giá đất, thì ngày nay, bất động sản cần sự kết nối hạ tầng đầy đủ, gồm logistics, năng suất lao động, công nghiệp phụ trợ. Hiện Việt Nam đang có bao nhiêu phần?", bà Thanh bỏ ngỏ câu hỏi.

Bày tỏ sự lạc quan với tương lai thị trường bất động sản, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết nhận định bất động sản không lý do gì mà trầm lắng và không lạc quan. Theo ông, bây giờ là thời điểm vàng để những người từ tích lũy ít đến đầu tư lớn mua bất động sản. Giờ phải chấp nhận rủi ro, nhưng phải lạc quan để tránh việc khi xuống tiền mua là quá muộn.