Đô la Mỹ tăng vọt và hệ lụy của nó

ANTĐ - Đồng đô la Mỹ tăng giá so với những đồng tiền chủ yếu trên thị trường xuất khẩu đã làm xáo động thị trường tiền tệ thế giới. Giá USD trên thị trường trong nước đang giao động ở mức cao, chắc chắn có tác động của sự tăng giá USD trên thị trường thế giới. 

Theo các nhà xuất khẩu Việt Nam, chưa bao giờ đồng tiền ở các thị trường xuất khẩu lại đồng loạt mất giá so với USD như thời gian qua. Từ EU đến Nhật, sang Úc rồi quay về Singapore, các khách hàng đã hạn chế mua hàng hoặc mua với điều kiện giảm giá. Nhìn nhận hiện tượng này, dự báo những diễn biến của nó để xác định đối sách là công việc đang nằm trên mặt bàn của mỗi chuyên gia tài chính, kinh tế trên thế giới. Cơn sóng này sẽ dâng đến đâu, nó sẽ làm chìm ngập bao nhiêu thị trường và quan trọng nhất, bao giờ nó sẽ lặng xuống. 

Đô la Mỹ tăng vọt và hệ lụy của nó ảnh 1

Đồng đô la Mỹ, do một tổ chức tư nhân in ấn và phát hành?

Chúng ta vừa kỷ niệm 100 năm ngày Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ. Ít ai biết, đó cũng là thời điểm ra đời một đế chế tài chính toàn cầu, đế chế đồng đô la Mỹ (USD). Tổng thống Woodrow Wilson ngày 23-12-1913 đã phê chuẩn luật Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED), thông qua đó để phát hành và lưu thông đồng USD. FED là ngân hàng tư nhân, thực thi chức năng Ngân hàng Trung ương của Mỹ, sở hữu 12 ngân hàng khu vực. Cơ quan đầu não của FED, định hình chính sách, là Hội đồng thống đốc, do Tổng thống Mỹ lập ra, và được Thượng viện phê chuẩn. Quốc hội trao cho FED quyền kiểm soát tiền tệ và số lượng USD cần thiết do chính FED in. Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, với ưu thế không có chiến tranh trên đất nước mình, Mỹ trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới và đồng USD dần dần thay thế đồng bảng Anh trong thanh toán quốc tế. Năm 1944, tại Hội nghị tài chính quốc tế ở Bretton Woods, 44 nước thành viên tham gia đã cam kết ủng hộ chế độ bản vị vàng và Mỹ cam kết với cơ quan quản lý tiền tệ các nước khác sẽ đổi đồng USD lấy vàng dự trữ trong Ngân khố Mỹ. Như vậy, đồng USD, ban đầu là phương tiện thanh toán của một quốc gia, đã có chức năng như đồng tiền của thế giới. Cho đến những năm đầu 70 với việc thả nổi giá trị đồng tiền, chế độ bản vị vàng chấm dứt. Đồng USD vẫn là phương tiện thanh toán chủ yếu trên thị trường thế giới và giá trị của nó ảnh hưởng đến tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Đồng USD trên thế giới ngày càng nhiều hơn, còn Mỹ trên thực tế đã bắt đầu sống trong nợ. Và các nước khác lao động không chỉ cho mình mà cho cả Mỹ thông qua việc trao đổi các nguồn lực thực sự lấy đồng USD, mà giá thành in chỉ vài chục cent.

Chính vì những lý do đó, đồng USD không chỉ là phương tiện thanh toán thế giới mà còn là thước đo của nền kinh tế Mỹ và với vai trò của Mỹ, là thước đo, là hàn thử biểu của nền kinh tế thế giới.

Đồng USD đang tăng giá từng ngày 

Giá trị đồng đô la tính theo tỉ giá với các đồng tiền quan trọng về thương mại (trade-eighted dollar) đã tăng 14% kể từ giữa năm 2014. Một sự tăng giá vừa kéo dài, vừa lớn về giá trị. Tại sao như vậy? Những dự đoán này phản ánh thực tế rằng Hoa Kỳ đang là nền kinh tế lớn duy nhất có triển vọng tăng trưởng mạnh. Hơn nữa, sự thay đổi này chủ yếu là dựa  trên những thành tố ổn định và bền vững. Niềm tin của người tiêu dùng hiện đang ở mức cao nhất kể từ năm 2007. Giá dầu lửa ở mức thấp khiến giá xăng dầu giảm cũng góp phần tăng sức mua. Tỉ lệ thất nghiệp nay ở mức 5,6% và đang tiếp tục giảm.

Tất cả những điều này không chỉ củng cố niềm tin rằng sức tăng trưởng mạnh của Hoa Kỳ vẫn sẽ kéo dài, khiến mọi người ngày càng tin rằng FED sẽ có thể bắt đầu tăng lãi suất ngay từ những tháng  tới. Trái lại, những nền kinh tế lớn khác lại đang đình trệ hoặc chậm lại, hoặc cả hai. Nền kinh tế châu Âu đang tê liệt và bóng ma giảm phát ghê rợn đang ngày một hiện rõ. Các quan chức châu Âu sẽ hoan nghênh một đồng euro yếu hơn - điều này sẽ cải thiện năng lực cạnh tranh, chí ít cũng ở mức tương đối. Ở châu Á, các chỉ số ì ạch của nền kinh tế Nhật Bản đã khiến Ngân hàng Trung ương nước này phải duy trì một đồng yên yếu hơn. Và những tín hiệu không thể nhầm lẫn về sự chững lại trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc chắc chắn sẽ dẫn đến đồng nhân dân tệ giảm giá hơn so với đồng đô la. Triển vọng tăng trưởng của những nền kinh tế mới nổi khác thậm chí còn tồi tệ hơn - đặc biệt là vì giá hàng hóa cơ bản ở mức thấp, điều càng làm đồng nội tệ yếu đi. Những yếu tố kể trên được cho là sẽ chắc chắn khiến đồng đô la mạnh hơn. 

Ảnh hưởng lớn đến xuất nhập khẩu

 Đồng USD tăng giá trị và những đồng tiền khác trên thị trường yếu đi đã ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. Theo các nhà xuất khẩu, nếu xuất khẩu vào thị trường Mỹ, chúng ta có lợi về tỷ giá, nhưng xuất khẩu sang thị trường Nhật và châu Âu, những thị trường lớn của chúng ta, hàng hóa Việt gặp nhiều khó khăn. Có thể ví dụ: Nếu như trước đây một lô hàng xuất sang EU, trị giá 1 triệu USD, tương đương với 900.000 euro, nay người mua phải trả xấp xỉ 1 triệu euro do đồng euro mất giá so với đồng USD. Đồng euro yếu làm giá thủy sản nhập vào châu Âu tăng lên nhưng nếu tăng giá bán lẻ thì người tiêu dùng không chịu. Do đó, nhà nhập khẩu phải bán chậm lại hoặc tạm ngưng mua hàng, nếu có mua họ cũng đòi giảm giá. Trong hai tháng đầu năm 2015, xuất khẩu thủy sản đã giảm trên 30% so với cùng kỳ năm 2014.

Tương tự, ngoại trừ thị trường Mỹ đang ổn định, xuất khẩu hạt điều sang các thị trường quan trọng còn lại đều chậm so với trước. Để bán được hàng, các nhà sản xuất của Việt Nam buộc phải giảm giá bán. Hiện giá điều nhân xuất khẩu đi EU giảm nhẹ 2%, Úc, Singapore giảm 5% so với đầu năm. Đó cũng là tình hình chung cho xuất khẩu hàng hóa của nước ta. Ngược lại, do đồng USD tăng giá, các đồng tiền khác giảm giá so với USD làm cho hàng hóa nhập từ Mỹ trở nên rẻ hơn và nhập từ các thị trường khác trở nên đắt đỏ hơn. Nghịch lý này, tuy ít làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá chung trên thị trường trong nước, nhưng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Riêng đối với xăng dầu, giá trị đồng USD tăng sẽ làm giảm giá dầu thô và vì vậy đồng USD tăng, ít tác động đến giá cả mặt hàng này.

Tăng đến bao giờ?

Vẫn phải bắt đầu từ  những dự đoán về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ và phần còn lại của thế giới và những biện pháp thắt chặt tiền tệ của FED. Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động Mỹ sẽ là chìa khóa để xem xét nền kinh tế. Nhưng hiện nay đã có những tín hiệu cho thấy tỉ lệ tham gia lao động Mỹ đang dần ổn định và thậm chí có thể chuẩn bị tăng lên. Nếu điều này xảy ra, tỉ lệ thất nghiệp có thể ngừng giảm và sức ép đòi tăng lương sẽ bị hạn chế. Khi đó FED sẽ trì hoãn việc thắt chặt chính sách tiền tệ lâu hơn dự kiến. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, những vấn đề tài chính bất ngờ, mà giá dầu giảm có thể thúc đẩy điều này. Sau Trung Quốc và Nhật Bản, những quốc gia xuất khẩu dầu lửa, trong đó có Nga, là những nước nắm số lượng trái phiếu Kho bạc Mỹ nhiều nhất. Nếu doanh thu từ dầu lửa tiếp tục tụt giảm, các nước này có thể sẽ buộc phải bán những trái phiếu ấy, sử dụng đồng đô la thu được để can thiệp vào thị trường ngoại hối và hỗ trợ đồng tiền của họ. Những diễn biến như vậy có thể khiến lãi suất phát hành trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ tăng đột biến và điều này sẽ làm gián đoạn tăng trưởng. Đồng đô la sẽ trở nên yếu hơn.  

Nhưng nếu có những diễn biến này nó cũng sẽ chỉ xảy ra vào cuối năm 2015. Còn từ nay đến đó đồng USD có thể còn tăng giá trị lên khoảng 8% nữa kể từ 1-4-2015.