Đô la hóa và niềm tin vào đồng nội tệ

Giải quyết vấn đề đô la hóa, lấy lại niềm tin vào đồng nội tệ, không hẳn chỉ là việc đóng cửa các điểm buôn bán ngoại tệ tư nhân.

Đô la hóa và niềm tin vào đồng nội tệ

Giải quyết vấn đề đô la hóa, lấy lại niềm tin vào đồng nội tệ, không hẳn chỉ là việc đóng cửa các điểm buôn bán ngoại tệ tư nhân.

Sự phản ứng của thị trường sau lệnh đóng cửa thị trường ngoại tệ “chợ đen” nhìn chung là tích cực. Có thể chưa xóa ngay lập tức các giao dịch tự do, nhưng ít nhất sự khan hiếm, căng thẳng ngoại tệ do găm giữ USD để đầu cơ đã được giảm thiểu. Qua phân tích động cơ đại lý buôn bán ngoại tệ buôn bán, găm giữ và đầu cơ USD, có thể đưa vào một số nhóm lý do.

"Sự mạnh tay của cơ quan chức năng đối với thị trường mua bán ngoại tệ tự do là cần thiết"
"Sự mạnh tay của cơ quan chức năng đối với thị trường mua bán ngoại tệ tự do là cần thiết"

Thứ nhất, sự chênh lệch tỉ giá giữa thị trường tự do và thị trường chính thức (tức trong ngân hàng) rất lớn. Thứ 2, khả năng tiếp cận với nguồn ngoại tệ của người có nhu cầu sử dụng ngoại tệ chính đáng không được đáp ứng. Thứ 3, lạm phát cao. Về góc độ tỉ giá, VND mất giá rất nhiều so với USD và ngoại tệ khác khiến lòng tin vào VND không còn chắc chắn.

Người dân sẽ tìm phương tiện khác để bảo toàn nguồn vốn của mình. Và khi không thể mua USD từ ngân hàng, họ phải đi mua tại các điểm thu mua ngoại tệ với giá cao hơn ngân hàng. Nhu cầu cao sẽ khiến thị trường USD tự do tồn tại dai dẳng nếu như nguyên nhân cơ bản nhất không được khắc phục: khôi phục lòng tin vào VND.

Cùng với Lào và Campuchia, Việt Nam là nền kinh tế bị đô la hóa rất cao. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tỉ trọng ngoại tệ dao động từ khoảng 20% nguồn tiền lưu thông tại Việt Nam, khoảng 50% tại Lào và hơn 90% tại Campuchia. Một nghiên cứu của ADB công bố vào tháng 10 năm ngoái cũng cho thấy chi phí và lợi ích của hiện tượng đô la hóa.

Về khía cạnh lợi ích, hiện tượng này khiến Chính phủ không dễ dàng tài trợ thâm hụt ngân sách thông qua việc in tiền mà chỉ bằng biện pháp tăng thuế. Hơn nữa, hiện tượng đô la hóa dẫn đến tỉ giá gần như cố định và do đó giá cả sẽ ổn định hơn.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ ra, việc sử dụng nhiều đồng tiền có thể làm giảm khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý kinh tế đối với các chính sách tỉ giá và tiền tệ. Điều này cũng làm giảm khả năng của Ngân hàng Nhà nước với tư cách là “người cho vay cuối cùng” trong trường hợp xảy ra khủng hoảng ngân hàng.

Ông Jayant Menon, chuyên gia kinh tế cao cấp của Vụ Hội nhập Kinh tế Khu vực của ADB, cho biết: “Quá trình đô la hóa làm giảm hiệu quả của các công cụ ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là chính sách tiền tệ và tỉ giá”.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho rằng sự mạnh tay của cơ quan chức năng đối với thị trường mua bán ngoại tệ tự do là cần thiết. Điều này đi theo lộ trình đề án chống đô la hóa nền kinh tế, được Chính phủ ban hành trong Quyết định của Thủ tướng số 98/2007/QĐ-TTg ngày 4/7/2007 về việc phê duyệt đề án nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam, khắc phục tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

“Vấn đề là song song với các biện pháp xử lý, rất cần giải quyết nhu cầu ngoại tệ chính đáng trong dân cư”, ông Kiêm cho biết. Nhưng trên hết vấn đề vẫn nằm ở chỗ có thể khôi phục đến mức độ nào niềm tin vào đồng nội tệ.

theo nhipcaudautu