Điều tiết giá thị trường Tết
(ANTĐ) - Việc tăng giá nguyên vật liệu đầu vào đang ảnh hưởng trực tiếp tới các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên với việc đầu tư vốn để dự trữ sẵn những mặt hàng thiết yếu, các nhà phân phối khẳng định sẽ giữ ổn định giá được một số sản phẩm cho nhu cầu mua sắm Tết của người dân Thủ đô.
Liên tục nhận thông báo tăng giá từ nhà sản xuất
Một trong những phản ánh đầu tiên của các nhà phân phối tại Hà Nội thời điểm này là tình trạng các nhà sản xuất, cung ứng liên tục thông báo điều chỉnh giá. Đại diện Siêu thị BigC, ông Laurent Bugeau - Giám đốc điều hành phía Bắc và Trung cho biết, từ đầu tháng 12 đến nay, siêu thị đã nhận được hơn 50 đề nghị tăng giá của các nhà cung cấp.
Cũng theo ông Laurent Bugeau, để giữ uy tín với khách hàng bằng việc đảm bảo giá cả ổn định, BigC từ trước đến nay luôn yêu cầu các nhà cung cấp cho mình phải đưa ra được những lý do chính đáng với đề nghị tăng giá, tránh tình trạng tăng theo xu thế, do yếu tố tâm lý muốn tranh thủ lúc các mặt hàng khác tăng thì cũng tăng theo.
Thực phẩm chế biến - một trong những nhóm hàng sẽ ổn định giá từ nay đến Tết |
Do vậy trong đợt đề nghị tăng giá lần này, qua xem xét thì có tới 90% các nhà cung cấp đưa ra những lý do xác đáng, trong đó có tới hơn 50% tăng giá vì lý do tăng giá xăng dầu. Tương tự như vậy, hệ thống siêu thị Fivimart vốn là một trong những nhà phân phối có tính cạnh tranh cao về giá cũng nhận được không ít thông báo của nhà cung cấp về việc điều chỉnh giá.
“Chỉ riêng giá thịt lợn cũng đã biến động chóng mặt. Hiện tại, chỉ trong vòng một tuần, hệ thống siêu thị phải sửa giá hai lần. Mỗi một lần nhà cung cấp tăng giá thì mức tăng đều hơn lần trước khoảng 10%” - bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, điều hành hệ thống siêu thị Fivimart cho biết.
Đại diện cho khối sản xuất, Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội lý giải việc tăng giá một số sản phẩm phục vụ Tết của mình là do giá nguyên liệu tăng liên tục.
Ông Vũ Thế Nghiệp - Phó Tổng giám đốc công ty cho biết, các sản phẩm phục vụ Tết của công ty như mứt, bánh kẹo các loại đều liên quan đến các nguyên liệu bột mỳ, đường, trứng gia cầm... Trong khi đó, giá bột mỳ hiện đã tăng ở mức hơn 200%, dầu ăn tăng hơn 40%, lạc tăng 56%, vừng tăng 30%, trứng tăng 18%, bao bì tăng 20%... Ngoài ra, các sản phẩm bánh của công ty đều nướng bằng gas mà giá gas hiện tăng 32% so với năm trước.
“Với mức tăng giá đầu vào như vậy, công ty cố gắng tiết kiệm các khoản chi tiêu khác để giữ giá cho các sản phẩm của mình, do vậy dự kiến, bánh, mứt của công ty năm nay sẽ cao hơn khoảng 10-15% so với Tết 2007.
Đã dự trữ đủ lương thực để ổn định giá trong dịp Tết
Để hạn chế tối đa biến động về giá, hiện các nhà phân phối đang tích cực ký hợp đồng đặt cọc để ổn định nguồn hàng. Theo đại diện Công ty Thực phẩm Hà Nội, với tổng số vốn 35 tỷ đồng đầu tư cho hàng Tết năm nay, công ty đã đảm bảo dự trữ được 3/5 lượng hàng dự kiến sẽ tiêu thụ trong dịp Tết này.
Giá lương thực biến động mạnh (ANTĐ) - Cục Thống kê TP Hà Nội vừa cho biết, chỉ số giá tiêu dùng tháng 12-2007 của thành phố tăng 1,78% so tháng trước. Trong đó, lương thực tăng 3,93%, thực phẩm tăng 1,35%, giao thông bưu chính tăng 5,04%. Các ngành hàng khác đều tăng so tháng trước trừ ngành hàng văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,24%. Cũng theo Cục Thống kê, tháng 12-2007 là tháng có giá cả hàng hóa tăng cao nhất trong năm. Trong tháng 12, giá cả một số mặt hàng biến động lớn là lương thực; thực phẩm tươi sống, đặc biệt là thịt lợn; vật liệu xây dựng, nhất là sắt thép tăng hàng ngày; giá gas cũng tăng mạnh do ảnh hưởng biến động tăng giá gas của thế giới...
Theo đánh giá của Cục Thống kê, biến động giá tăng của năm 2007 không phải bất thường mà là tiếp tục xu hướng tăng giá trong 3, 4 năm gần đây (tốc độ tăng giá bình quân năm 2006 so năm 2005 là 8,7%; năm 2005 so năm 2004 là 7,4%). Thành Nam |
Cụ thể, đối với sản phẩm giò các loại công ty sẽ bắt đầu nhập kho từ cuối tháng 12-2007 để đảm bảo mức giá không tăng đột biến theo giá thực phẩm tươi sống trên thị trường. Công ty cổ phẩn XNK Lương thực Hà Nội hiện cũng đã ký hợp đồng với các địa phương như Điện Biên, Nam Định và một số tỉnh phía Nam để dự trữ các sản phẩm gạo ngon với số lượng hơn 200 tấn gạo đặc biệt.
Do đó, theo bà Bùi Thị Tú Giang - Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty thì đối với các sản phẩm gạo tẻ và gạo nếp của công ty giá sẽ được giữ ổn định từ nay cho đến Tết mặc dù trên thị trường chắc chắn trong dịp đó giá lương thực sẽ tăng.
Việc giữ giá ổn định cộng với dịch vụ đưa gạo đến tận nhà của Công ty cổ phần XNK Lương thực Hà Nội trên hệ thống bán lẻ tại 4 cửa hàng chuyên doanh và 10 cửa hàng tổng hợp và hơn 20 siêu thị trên địa bàn Hà Nội, sẽ giúp cho người dân Thủ đô yên tâm hơn về mặt hàng lương thực cho Tết Nguyên đán.
Theo bà Vũ Thị Hậu, hệ thống siêu thị Fivimart cũng đã dự trữ đầy đủ các sản phẩm lương thực với thương hiệu Fivimart. Với việc sớm đảm bảo lượng hàng phục vụ Tết theo kế hoạch, giá lương thực bán ra tại siêu thị này sẽ không thay đổi từ nay đến Tết.
Cũng theo bà Vũ Thị Hậu, thực phẩm chế biến với các sản phẩm đông lạnh, đồ hộp các loại cũng sẽ ổn định mức giá do phần lớn các sản phẩm này đều đã được ký hợp đồng dự trữ và lưu kho.
Duy Anh