Điên đầu với thuốc lá lậu
Càng gần tết tình trạng vận chuyển thuốc lá lậu diễn ra phức tạp. Dọc biên giới Tây Nam từ Tây Ninh sang Long An, Đồng Tháp, An Giang… thuốc lá lậu âm ỉ tràn sang biên giới suốt ngày đêm. Trong khi đó, thị trường TPHCM trở thành trung tâm tiêu thụ khối lượng lớn thuốc lá lậu.
Ào ạt qua biên giới
Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Phó Trưởng BCĐ 127 T.Ư cho rằng, tình hình buôn lậu thuốc lá trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, đa dạng. Tại An Giang, theo Quốc lộ 91 từ thị xã Châu Đốc về thành phố Long Xuyên và Tỉnh lộ 952 từ cửa khẩu Vĩnh Xương đi thị trấn Tân Châu là tuyến vận chuyển thuốc lá lậu bằng đường bộ. Thuốc lá được tập kết ở gò Tà Mâu (Campuchia) và khu vực cạnh kênh Vĩnh Tế chờ sơ hở là tuồn sang biên giới.
Phía bên này, có những đội xe gắn máy, xe đạp… chờ sẵn để nhận hàng, sau đó xé nhỏ để “thẩm thấu” vào thị trường nội địa. Dân buôn lậu chia nhau canh đường, liên lạc bằng điện thoại di động, bộ đàm… nhằm tránh sự kiểm soát của ngành chức năng.
Hải quan An Giang bắt giữ thuốc lá lậu |
Cục Hải quan An Giang thừa nhận, nếu phát hiện dân buôn lậu thuốc lá vài trăm mét thì không cách nào đuổi kịp, bởi chúng chạy ngược về phía Campuchia hoặc lẻn vào nhà dân trốn mất (!?).
Bên cạnh đường bộ, sông Tiền, sông Hậu là nơi mà thuốc lá lậu tràn sang bằng đường thủy. Thuốc lá được chứa vào những chiếc ghe 2 đáy hoặc gói vào bọc ni lông để dìm xuống lòng sông, rồi thả trôi theo dòng nước vào ban đêm đánh lừa lực lượng kiểm tra.
Tại Tây Ninh, tình hình buôn lậu thuốc lá cũng rất sôi động. Ở khu vực Phước Lưu, Phước Chỉ, Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) nhiều đối tượng buôn lậu thuốc lá tập hợp thành từng đoàn khoảng 10 xe gắn máy chạy với tốc độ cao, lực lượng chức năng không đuổi kịp. Dân buôn lậu còn vận chuyển bằng xe khách, xe tải, xuồng máy… đưa thuốc lá len lỏi qua biên giới suốt ngày đêm.
Dọc biên giới Việt Nam - Lào, thuốc lá lậu cũng diễn biến phức tạp trên tuyến sông Sêpôn, Quốc lộ 9 và đường Hồ Chí Minh. Dân buôn lậu lợi dụng địa hình sông núi hiểm trở để thuê người địa phương cõng hàng luồn sâu trong rừng, tránh sự kiểm tra của ngành chức năng. Chỉ tính riêng cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị) có lúc thuốc lá nhập lậu tràn qua đến 500.000 bao mỗi ngày.
Ở phía Bắc, thuốc lá lậu cũng tràn ngập các cửa khẩu Quảng Ninh. Thủ đoạn của đối tượng buôn lậu là sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá lậu tập kết ở các bãi biển hoặc đưa vào nhà dân, sau đó xé lẻ chuyển đi các nơi tiêu thụ. Thuốc lá lậu cũng tràn qua bằng đường biển từ Trung Quốc sang Quảng Ninh, Hải Phòng về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình…
Ngăn chặn cách nào?
Trước tình hình thuốc lá lậu tràn lan, thời gian qua Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo 127 T.Ư đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng đấu tranh chống thuốc lá lậu. Theo đó, năm 2007 và 10 tháng đầu năm 2008, lực lượng chống buôn lậu bắt giữ, xử lý 15.455 vụ vận chuyển kinh doanh thuốc lá lậu, thuốc lá giả; thu giữ 13,267 triệu bao; trong đó tiêu hủy 11,3 triệu bao...
Tuy nhiên, số vụ bắt được chẳng thấm vào đâu so với diễn biến thực tế. Nguyên nhân do việc xử phạt buôn lậu thuốc lá còn nhẹ không đủ sức răn đe, hoặc không thể xử lý hình sự vì không chứng minh được được các yếu tố liên quan…
Do đó dân buôn lậu không hề sợ, thậm chí còn vận chuyển nhiều hơn sau mỗi lần bị bắt nhằm bù đắp lại khoản thuốc lá bị tịch thu. Ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương kiêm Phó trưởng BCĐ 127 T.Ư, cho rằng, việc chống thuốc lá lậu, thuốc lá giả là vấn đề hết sức khó khăn, trong khi biên giới rộng, lực lượng mỏng vì vậy không tài nào kiểm soát hết được.
Ngoài ra thiếu kinh phí, chế độ thưởng bất cập… khiến việc chống thuốc lá lậu chưa đạt hiệu quả cao. Tháo gỡ những vấn đề trên, BCĐ 127 T.Ư đề xuất Chính phủ cho phép cơ chế huy động kinh phí hỗ trợ phòng chống thuốc lá lậu. Đồng thời thống nhất mức hỗ trợ 1.000đ/bao thuốc lá bắt giữ và tiêu hủy cho các loại thuốc lá cao cấp và thấp cấp.
Có ý kiến cho rằng, nhà nước nên xem xét đưa thuốc lá lậu vào danh mục hàng hóa cấm kinh doanh. Từ đó có biện pháp mạnh để trấn áp hành vi buôn lậu, đối tượng đầu nậu. Mặt khác nên quy định cư dân biên giới không được phép mua bán, vận chuyển mặt hàng thuốc lá điếu qua biên giới để dân buôn lậu không lợi dụng được chính sách ưu đãi biên giới… Phải làm quyết liệt nhiều giải pháp mới mong ngăn được thuốc lá lậu.
Trong lúc các ngành chức năng loay hoay tìm giải pháp thì từ nay đến cuối năm thuốc lá lậu sẽ ào ạt tràn qua biên giới. BCĐ 127 T.Ư đã đề xuất tăng cường các chốt kiểm tra thuốc lá lậu trên tuyến đường sắt, đường biển, đất liền và đường hàng không để hạn chế thuốc lá lậu tràn vào thị trường Việt Nam trong dịp Tết Kỷ Sửu.
Năm 2007, thuốc lá nhập lậu vào thị trường Việt Nam lên đến 630 triệu bao và năm 2008 này ước tính trên 700 triệu bao. Với số lượng tràn qua ngày càng tăng, thuốc lá lậu chiếm phần lớn thị phần tiêu thụ trong nước.
Tại TP Cần Thơ thuốc lá lậu chiếm gần 70% thị phần tiêu thụ; TPHCM chiếm khoảng 46%; các tỉnh khác ở Nam bộ chiếm 41%... Đáng nói hơn, thuốc lá lậu đã làm chảy máu ngoại tệ của đất nước hơn 200 triệu USD/năm; thất thu thuế từ 2.500 - 3.000 tỷ đồng/năm.
PV
Theo SGGP