Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Việt Nam có thêm 162 tỷ USD nếu chuyển đổi số thành công

ANTD.VN - Theo Thứ trưởng Bộ KH- ĐT Vũ Đại Thắng, kinh tế số đang diễn ra nhanh chóng và có tác động to lớn, sâu rộng tới mọi mặt đời sống kinh tế – xã hội của tất cả các quốc gia.

Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019: Việt Nam có thêm 162 tỷ USD nếu chuyển đổi số thành công ảnh 1

GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh nhờ kinh tế số

Kinh tế số sẽ đạt 30 tỷ USD vào năm 2025

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận về Phát triển kinh tế số trong khuôn khổ Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 diễn ra sang 2-5, ông Vũ Đại Thắng cho hay, theo nghiên cứu của Google và Temasek (Singapore), kinh tế số của Việt Nam đạt 3 tỷ USD năm 2015, tăng lên 9 tỷ USD năm 2018 và dự báo đạt 30 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó một nghiên cứu khác của Tổ chức Data 61 (Australia), GDP Việt Nam có thể tăng thêm khoảng 162 tỷ USD trong 20 năm nếu thực hiện chuyển đổi số thành công.

Theo Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, doanh nghiệp là trung tâm trong phát triển kinh tế số. Và để phát triển nền kinh tế số của Việt Nam, cần quan tâm tới 4 vấn đề lớn, gồm: xây dựng nền tảng thể chế, phát triển hạ tầng kết nối, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và đào tạo nguồn nhân lực.

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Thành Hưng, Chính phủ đang có đề án về chuyển đổi số quốc gia và giao Bộ TT-TT chắp bút.

Dự thảo nêu phạm vi chuyển đổi số gồm 3 lĩnh vực chính là với doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và xã hội với 3 giai đoạn từ khi có hiệu lực đến năm 2022, 2022-2025 và 2025 - tầm nhìn 2030.

Mục tiêu là đến năm 2025, 50% doanh nghiệp phải kinh doanh trên nền tảng số. Công nghiệp số phải đạt được khoảng 20% GDP công nghiệp số. 

Đối với cơ quan nhà nước, 80% dịch vụ công ở mức 4 (mức cao nhất) và đa số giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý là trên môi trường số hoá.

Còn phạm vi toàn xã hội, dự thảo đề xuất mục tiêu tìm cách phổ cập năng lực số cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân truy cập hạ tầng số với chi phí phù hợp.

Giá cước truy cập băng rộng chỉ khoảng dưới 2% thu nhập của người dân.

Việt Nam nhanh hay chậm trong chuyển đổi số?

Đây là câu hỏi nhận được nhiều sự quan tâm. Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, xuất phát chậm hay nhanh không phải vấn đề, bởi cuộc đua này không giống cuộc chạy marathon dùng sức con người.

"Với cách mạng công nghiệp 4.0 thì sự sáng tạo trên nền tảng Internet, việc chậm hay nhanh không phải là vấn đề lớn"- ông Phan Đức Hiếu nói.

Tuy nhiên, theo đại diện của CIEM, môi trường thể chế tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh có cơ hội sáng tạo là quan trọng nhất. Theo ông, hiện nhiều mô hình kinh doanh đã không còn khái niệm về biên giới, lãnh thổ và luật pháp, theo đó cũng sẽ phải thay đổi tương ứng.

Ví dụ, tương lai Việt Nam thừa nhận taxi tự lái hoạt động trên đường, nếu xe này gây tai nạn thì trách nhiệm thuộc về ai? Thuộc về xe tự lái, phần mềm...? Và khi đó, chắc chắn luật pháp sẽ phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển, và bản thân ông cũng "chưa thể hình dung hết".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Quang Ngọc - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cho rằng, Việt Nam đã có những chương trình, những giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng thực tế, những chuyển biến không tương đồng với kỳ vọng ban đầu.

“Những chương trình hoành tráng nhưng đi đến triển khai thực tế, lại không mang lại nhiều hiệu quả. Ví dụ ở khu vực công, đến nay, các chương trình xây dựng kinh tế số như Chính phủ điện tử, Y tế thông minh, Giao thông thông minh... đang được triển khai rất nửa vời. Khoảng cách giữa hoạch định và triển khai là thách thức của Việt Nam, đó là khoảng trống rất lớn”- ông Bùi Quang Ngọc nói.

Theo đại diện FPT, cần chuẩn hóa hành lang pháp lý cho kinh tế số phát triển.