Diễn biến đáng lo ngại của thị trường ngoại tệ

ANTĐ - Diễn biến của thị trường ngoại tệ đã thách thức các dự báo không chỉ của các báo chí mà ngay cả các chuyên gia tài chính tiền tệ. Ngay sau Thông tư 15/NHNN, có hiệu lực tức thời (5-10),  hạ lãi suất tiền gửi bằng ngoại tệ xuống 0% và quy đinh chặt chẽ các giao dịch ngoại tệ tại các ngân hàng thương mại, giá đồng USD lao dốc đột ngột. Những lời than khóc thua lỗ vì găm giữ ngoại tệ đã cất lên. Nhưng kể từ ngày 12-10 giá ngoại tệ lại tiếp tục tăng và đến ngày 15-10, giá USD lại trở lại mức giá trước khi TT15/NHNN có hiệu lực.
Diễn biến đáng lo ngại của thị trường ngoại tệ ảnh 1

Một câu hỏi mới được đặt ra, bằng các quyết định hành chính, chúng ta đã “thủ tiêu“ được thị trường vàng, và liệu có dùng cách đó để “diệt” được thị trường ngoại tệ không?

Những phiền toáikhông đáng có

Một người muốn đi nước ngoài thì  phải ra ngân hàng để mua ngoại tệ chi tiêu cho chuyến đi. Và họ không thể chuẩn bị điều đó từ trước vì lý do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ bán ngoại tệ cho người có nhu cầu khi đi nước ngoài trước khi đi chỉ tối đa là hai ngày. Và với quy định này, nhiều người đã tìm đến thị trường tự do.

Đúng như dự đoán của chúng tôi trên Báo ANTĐ, trước những hạn chế giao dịch theo TT15/NHNN, thị trường ngoại tệ tự do đã đón được những nhu cầu đột xuất của người dân và đang có dấu hiệu tăng trưởng. Không chỉ hạn chế về thời gian giao dịch, hạn chế về mức giao dịch cũng đẩy người dân có nhu cầu ngoại tệ ra... Hà Trung, tức là ra thị trường tự do. Với mức quy định mỗi du học sinh đang học ở nước ngoài, gia đình chỉ được mua tối đa 15.000 USD/năm, trong khi đó, nhu cầu của mỗi du học sinh trừ học phí, các khoản thuê nhà, ăn ở, đi lại tối thiểu mỗi năm cũng phải trên 25.000 USD, dĩ nhiên phần thiếu, các gia đình phải ra thị trường tự do.

Việc giảm lãi suất ngoại tệ xuống 0% làm cho những người gửi tiết kiệm phải rút ra để chuyển thành tiền đồng, cung cấp dự trữ ngoại tệ cho các nhà buôn bán ngoại tệ một khoản quá lớn, đủ đáp ứng mọi nhu cầu của người dân. Chỉ có ngân hàng là chịu cứng, đứng nhìn thị trường tự do thu lợi nhuận.

Những nhà nhập khẩu cũng đang kêu trời. Mở thư tín dụng (L/C) nhà nhập khẩu thường phải ký quỹ một tỷ lệ nhất định trên tổng giá trị thanh toán. Trước đây L/C thanh toán bằng đồng tiền nào thì thường ký quỹ bằng đồng tiền ấy, có thể đô la Mỹ, euro, yen... Nay theo Thông tư 15, doanh nghiệp không được ký quỹ bằng ngoại tệ, chỉ ký quỹ duy nhất bằng tiền đồng. Với những hợp đồng thanh toán giá trị lớn, mỗi khi giá ngoại tệ biến động, kế toán doanh nghiệp lại chạy ra chạy vào ngân hàng để nộp bổ sung. Vất vả mà phức tạp.

Các nhà xuất khẩu cũng không vui vẻ gì. Muốn sản xuất hàng xuất khẩu đương nhiên phải nhập nguyên liệu. Nhập nguyên liệu phải trả bằng ngoại tệ. Quy định của TT 15/NHNN là mua ngoại tệ phải trả tiền ngay, không quá hai ngày, không được để sang ngày thứ ba. Thanh toán bộ chứng từ cũng tương tự, mua ngoại tệ mà chưa thanh toán ngay là không được. Hợp đồng hàng chục, hàng trăm tỷ mà chỉ có hai ngày xoay xở, nhiều nhà sản xuất lắc đầu…kêu trời.

Sóng giá ngoại tệ, ai hưởng lợi?

Việc dùng thủ tục hành chính chặn các giao dịch ngoại tệ tại ngân hàng đã tạo ra một đợt sống giá trên thị trường. Những ngày đầu tiên sau khi Thông tư 15 có hiệu lực, tỷ giá đồng Việt Nam/đô la Mỹ bán ra được các ngân hàng niêm yết theo hướng lùi dần từ trên 22.500 đồng về 22.410 đồng/đô la Mỹ. Sang ngày 8-10-2015 lùi sâu về 22.200 đồng, thậm chí có thời điểm tỷ giá trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chào mua bán xung quanh 22.100-22.150 đồng/đô la Mỹ. Bộ phận kinh doanh ngoại hối của một ngân hàng cho biết họ mua được ngoại tệ ở mức 22.175 đồng/đô la Mỹ.

NHNN những ngày đó bằng nhiều cách đã “động viên” các ông lớn nửa quốc doanh bán ra nhiều ngoại tệ và chính vì vậy, nó đã làm giá ngoại tệ biến động dữ dội nhất kể từ 2 năm qua. Thậm chí, nhiều ngân hàng nhỏ đã dừng mua vào đồng USD do tỷ gia rơi mạnh, các ngân hàng mua vào lỗ nặng. Vốn ít, lỗ nhiều, nhiều ngân hàng nhỏ đóng cửa giao dịch ngoại tệ. Lần đầu tiên, hệ thống ngân hàng mua được một khối lượng ngoại tệ khổng lồ đến như vậy.

Tuy nhiên, mừng chưa hết nỗi lo đã đến. Ngay sau khi các doanh nghiệp bán hết ngoại tệ lưu giữ,  tỷ giá dập dình chạy lên. Giá niêm yết bán ra của ngân hàng khoảng 22.280-22.290 đồng/đô la Mỹ. Một số ngân hàng tranh thủ bán ra những ngày đầu tuần đã mua lại bù đắp trạng thái ngoại hối. Một tỷ lệ nhà nhập khẩu đã kịp làm lại hồ sơ giấy tờ và mua đô la Mỹ để thanh toán khi ngân hàng đưa ra mức giá quá tốt, theo nhận định của họ. Sáng 14-10, giá bán ra niêm yết của các ngân hàng đã chạy lên 22.450-22.460 đồng/đô la, cao gần bằng mức giá của thời điểm trước khi Thông tư 15 có hiệu lực. Sóng tắt.

Ai là người hưởng lơi từ đợt sóng này? Ngoài thị trường tự do, những nhà buôn luôn thắng, chỉ có những ngân hàng lớn mới thu được lợi nhuận. Ai là người chịu thiệt? Đương nhiên những người dự trữ USD trước TT15/NHNN chịu thiệt. Họ phải bán ngoại tệ giá rẻ và sắp tới, khi có nhu cầu, đương nhiên sẽ phải mua giá cao.

Có ngăn chặn được thị trường ngoại tệ?

Chúng ta đã thành công trong việc ngăn chặn sự phát triển ồ ạt của thị trường vàng. Đó là thành công của NHNN. Tuy nhiên, có thể nền kinh tế và đời sống không cần vàng, nhưng đô la Mỹ là đồng tiền thanh toán quốc tế, vai trò thanh toán của nó ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Nợ công không hề giảm bớt trong những năm qua và đang tiệm cận ngưỡng an toàn, các khoản nợ phải trả cả gốc và lãi hàng năm của Chính phủ ngày một cao, dự trữ ngoại hối tăng về số lượng nhưng lại giảm tính theo tuần nhập khẩu, nhập siêu tăng dần... càng làm cho vai trò thanh toán của đô la Mỹ ở Việt Nam không hề yếu đi.

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong công bố ngày 6-10-2015 dự báo cán cân vãng lai của Việt Nam sẽ giảm mạnh, từ mức 4,9% GDP năm ngoái xuống 0,7% năm nay và thâm hụt âm 0,9% năm tới. Đáng lo trong khi khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn đang xuất siêu 11,9 tỉ đô la Mỹ, thì khối doanh nghiệp trong nước nhập siêu 15,8 tỉ đô la Mỹ chín tháng đầu năm theo số liệu của Bộ Công Thương.

Và một câu hỏi mới được đặt ra. Vì sao cầu ngoại tệ tăng trên bình diện cả vĩ mô và vi mô mà tỷ giá lại biến động theo hướng giảm? Có thể mức điều chỉnh tỷ giá và biên độ tỷ giá trong tháng 8 là quá đà, có thể chưa đo lường hết cung cầu thị trường? Hoặc đã đến lúc cần thêm những chính sách để thị trường được điều chỉnh theo các quy luật thị trường?