Điểm mặt nhà xe chây ỳ không giảm cước

ANTĐ - Sau khi xăng dầu đã giảm giá sâu, nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo điều chỉnh cước vận tải. Tuy nhiên, không ít DN vẫn phớt lờ, chưa giảm cước vận tải hoặc chỉ giảm chiếu lệ.

Điểm mặt nhà xe chây ỳ không giảm cước ảnh 1Vẫn thiếu chế tài xử phạt các doanh nghiệp vận tải không chịu giảm giá cước
Ảnh: PHÚ KHÁNH

Cố tình chây ỳ 

Theo ghi nhận của phóng viên Báo An ninh Thủ đô, sau 15 lần giảm giá xăng dầu, không ít DN vận tải vẫn “cố thủ”, giữ nguyên giá cước. Tại bến xe phía Nam, ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Xí nghiệp quản lý bến xe phía Nam cho biết, đến ngày 24-1, mới có khoảng 1/3 số DN vận tải khách tuyến cố định tại bến giảm giá cước vận tải, từ 3-16%. Mức giảm cao nhất là Công ty CP Thủy bộ Yên Bái, với 2 lần giảm, từ 110.000 đồng/vé xuống còn 95.000 đồng/vé. Tiếp đến là Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội cũng đã 2 lần giảm giá vé... Trong khi đó, tất cả các tuyến xe từ Ninh Bình về Hà Nội của Công ty CP vận tải ô tô Ninh Bình chưa hề giảm giá trong suốt thời gian qua, bất chấp một số DN vận tải chạy cùng tuyến đã giảm giá đáng kể.

Cụ thể, giá vé của Xí nghiệp xe khách Nam Hà Nội từ Giáp Bát về Ninh Bình dao động từ 63.000 - 80.000 đồng/vé, tùy cự ly, nhưng giá vé của Công ty CP vận tải ô tô Ninh Bình dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/vé. Khi phóng viên liên lạc với ông Trương Văn  Từ, Giám đốc Công ty CP vận tải ô tô Ninh Bình để tìm lời giải đáp cho việc cố giữ giá cước vận tải, thì ông này né tránh, trả lời nhầm số điện thoại và cúp máy. Sau đó, phóng viên không thể liên lạc lại được. 

Cũng theo ông Nguyễn Tất Thành, các nhà xe chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn cũng chưa hề giảm giá cước. “Bến xe đã nhiều lần trao đổi với các DN về việc xem xét tính toán lại giá vé, nhưng không ít DN cứ “hứa” rồi lại quên”, ông Nguyễn Tất Thành nói.

Nhìn nhau để giảm cước

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc bến xe Mỹ Đình cho hay, hiện tại, hầu hết các DN kinh doanh vận tải thuộc bến đã kê khai giảm giá cước, trong đó riêng tháng 1 có khoảng 30 DN, nhưng mức giảm không nhiều, trung bình từ 7-10%. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn dự báo, trong đợt cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới, tình trạng phụ thu ít có khả năng xảy ra tại các tuyến ngắn do tác động của việc giảm giá xăng dầu. Thống kê của Công  ty CP Bến xe Hà Nội cho thấy, trong tháng 1-2015, trên phạm vi các bến xe mà Công ty quản lý (phía Nam, Mỹ Đình, Gia Lâm), có 59 DN đã thực hiện giảm giá cước vận tải, với mức giảm từ 2-20%. 

Bức xúc nhất hiện nay là cước taxi chưa giảm hoặc chỉ giảm chiếu lệ. Đến nay, mới có khoảng 60 DN taxi giảm giá cước với mức giảm từ 500 - 1.500 đồng/km. Mức giảm cao nhất là taxi Thành Công (1.500 đồng/km). Có 15 DN giảm với mức 1.000 đồng/km và 42 DN giảm với mức 500 đồng/km. Theo các chuyên gia ngành vận tải, sở dĩ cước taxi giảm không tương xứng với mức giảm của giá xăng dầu là do DN vẫn còn tâm lý nhìn vào những hãng có tên tuổi, có số đầu xe lớn để đưa ra mức giảm cho mình. “Một khi các hãng lớn vẫn giữ giá cước ở mức cao thì những nhà xe nhỏ cũng sẽ làm như vậy”, một chuyên gia vận tải chia sẻ.

Lý do muôn thuở các DN đưa ra là cần thời gian để tính toán, cân đối và in ấn lại vé. Theo tính toán, với giá xăng dầu giảm kỷ lục thời gian qua, các DN vận tải khách (tuyến cố định và taxi) đã thu lãi lớn. 

Việc các DN vận tải còn chây ỳ giảm giá cước là do sự vào cuộc của cơ quan chức năng chưa thực sự ráo riết. Cụ thể, nhiều DN vận tải ở tỉnh khác vận tải khách về Hà Nội đã không thực hiện nghiêm việc kê khai giảm giá cước. Tình trạng so bì, tính toán giữa các DN sẽ còn kéo dài nếu chưa siết chặt quản lý.