Đi tìm giải pháp kết nối "Doanh nghiệp mạnh – Quốc gia mạnh"

ANTD.VN - Nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ rào cản kéo giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, giúp doanh nghiệp cải thiện sức cạnh tranh, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh của quốc gia, tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia lập pháp, kinh tế, lao động.

Ngày 21-8, Báo Đại biểu Nhân dân đã tổ chức tọa đàm “Phát huy vai trò của doanh nghiệp trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” nhằm thảo luận về 4 vấn đề cụ thể: Mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia; Thực trạng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; Những rào cản – chủ quan và khách quan – mà doanh nghiệp gặp phải trong nỗ lực cải thiện sức cạnh tranh; Các nhiệm vụ chủ chốt đặt ra đối với Chính phủ và doanh nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.

Tham gia sự kiện trên có: Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế; ông Nguyễn Văn Thân, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Ngọ Duy Hiểu, ĐBQH TP Hà Nội, Trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; ông Bùi Ngọc Chương, Ủy viên thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển; TS. Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược NN – PTNT.

Tại sự kiện, các chuyên gia đã đưa ra những thông tin và quan điểm đáng chú ý liên quan tới các vấn đề sức cạnh tranh của doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của quốc gia.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Doanh nghiệp cạnh tranh mạnh, nền kinh tế quốc gia sẽ “khỏe”

Khi đề cập về mối quan hệ giữa năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia, TS. Lưu Bích Hồ cho rằng, cần làm rõ hơn những khái niệm cơ bản, quan trọng về cạnh tranh, năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh nói chung của đất nước bao gồm cả năng lực cạnh tranh quốc gia, cạnh tranh ngành, doanh nghiệp, sản phẩm.

“Đó là điều có ý nghĩa sống còn của doanh nghiệp, lẽ sống của doanh nghiệp khi đi theo phát triển kinh tế thị trường”, TS. Hồ bày tỏ.

Vị chuyên gia trên cho biết, diễn đàn kinh tế thế giới khi đánh giá năng lực cạnh tranh xét trên những yếu tố và những tiêu chí sau với 12 trụ cột: Thể chế; cơ sở hạ tầng; môi trường kinh tế vĩ mô; y tế và giáo dục phổ thông, giáo dục và đào tạo đại học; hiệu quả thị trường hàng hóa; hiệu quả thị trường lao động; phát triển thị trường tài chính; sẵn sàng về công nghệ; quy mô thị trường; mức độ tinh vi của các hoạt động kinh doanh; đổi mới sáng tạo.

Trong 12 trụ cột này, không có trụ cột nào không có mối quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Đây là năng lực cạnh tranh quốc gia nhưng trong từng yếu tố đó đều có doanh nghiệp trong đó.

TS. Lưu Bích Hồ cho biết thêm, khi nói đến tiêu chí cạnh tranh của doanh nghiệp, các yếu tố định lượng để xác định là: Một là tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp và doanh thu. Hai là, lợi nhuận trên vốn. Ba là, tỷ lệ hoàn vốn. Bốn, năng suất lao động tính chung trong doanh nghiệp và của từng người lao động trong doanh nghiệp. Năm, tốc độ đổi mới công nghệ. Sáu, giá thành sản phẩm. Bảy, thị phần mà doanh nghiệp đó chiếm lĩnh được, kiểm soát được kênh phân phối và dịch vụ bán hàng.

Về mặt định tính dựa trên tiêu chí: Một là chất lượng của sản phẩn và chất lượng của nguồn nhân lực. Hai, trình độ công nghệ và các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ba, thương hiệu uy tín của doanh nghiệp. Bốn, tác động của hoạt động doanh nghiệp với xã hội trước hết là an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.

Qua đó, có thể thấy rõ mối quan hệ giữ cạnh tranh quốc gia và năng lực cạnh tranh doanh nghiệp.

Buổi tọa đàm có sự góp mặt của các chuyên gia lập pháp, kinh tế, lao động

Với tư cách là người công tác nhiều năm trong cơ quan lập pháp, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, chia sẻ rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia bao gồm cả hai phần là phần của kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô. Với góc độ của người làm công tác lập pháp, ông Kiên thiên về chính sách vĩ mô nhiều hơn.

Cụ thể, theo Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội, phần cơ sở hạ tầng xã hội có thể được đo lường bằng ba nhóm vấn đề lớn: Thứ nhất, nhóm vấn đề về nguồn nhân lực, về con người; Thứ hai, thể chế - tức là những quy định vận hành của ngành kinh tế; Thứ ba, hệ thống pháp lý.

Đối với kinh tế vĩ mô cũng không có gì ngoài ba chân kiềng: Thứ nhất, chính sách tiền tệ; Thứ hai, chính sách tài khóa; Thứ ba, chính sách cơ cấu, tổ chức ưu tiên ngành nghề, lĩnh vực nào để phát triển cho phù hợp với năng lực quốc gia.

Muốn phát triển, doanh nghiệp cần tạo bước tiến đột phá

Nói về những thách thức mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt khi “ra biển lớn”, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, có 5 nhóm cần chú ý. Cụ thể: Một là chiến lược kinh doanh không rõ ràng. Hai là công nghệ khoa học của doanh nghiệp trong nước so  với thế giới ở mức sau doanh nghiệp nước ngoài  2 đến 3 thế hệ. Về năng lực, chúng ta thấy người Việt Nam vào môi trường công nghiệp thì họ thành công nhân chuyên nghiệp, nhưng ở Việt Nam thì lại vẫn mang thói quen sản xuất nhỏ.  Thứ tư, chế độ đãi ngộ của những người làm trong doanh nghiệp là có vấn đề. Việc này lỗi ở những người làm công tác vĩ mô, nhìn người quản trị doanh nghiệp bằng như là công chức trong khi ở các nước khác người ta chỉ nhìn vào hiệu quả sử dụng đồng vốn. Cuối cùng là, sự liên kết để sản xuất cạnh tranh với các nước khác rất kém.

“Nhìn riêng vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp, có nhiều doanh nghiệp của ta hội nhập tương đối tốt như Vietjet, Vingroup, Hòa Phát, Tân Hiệp Phát… Để thành công họ đều có sự chuẩn bị nội lực kỹ càng, biết người biết ta. Ví dụ như tập đoàn nước uống Tân Hiệp Phát, khởi nghiệp trong thời kỳ đổi mới, thành công ngày hôm nay là nhờ họ chọn được thị trường đúng, đi vào thị trường từ trước đến nay đang bỏ ngỏ và có thị phần để mở rộng. Đây là thành công đầu tiên của họ. Yếu tố thứ hai giúp họ trở thành doanh nghiệp đầu đàn trong lĩnh vực đồ uống là đi thẳng vào công nghệ hiện đại ngay. Công nghệ sản xuất của họ trình độ tương đương với các nước tiên tiến. Thứ ba, họ biết họ yếu ở đâu. Nhiều doanh nghiệp vẫn theo đuổi mô hình quản trị gia đình, hoặc cho rằng trong nước cũng có nhiều người có thể đảm nhận việc quản trị doanh nghiệp, nhưng Tân Hiệp Phát chọn nhân sự cấp cao nước ngoài  để quản trị doanh nghiệp của mình. Đây  cũng là một trong những yếu tố giúp họ chuyển mình thành công”, ông Nguyễn Đức Kiên phân tích.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Trong khi đó, TS. Lưu Bích Hồ đã chỉ ra một loạt giải pháp “đánh giá lại mình” để doanh nghiệp Việt giành được ưu thế khi hội nhập quốc tế.

Cụ thể, theo TS. Hồ, doanh nghiệp cần nghiên cứu trong cách tiếp cận sản xuất kinh doanh của mình, nhìn ra thị trường nước ngoài, nghiên cứu lại những vấn đề thị trường của doanh nghiệp.

Cùng với đó là định hướng rõ chiến lược của doanh nghiệp, chuỗi giá trị cụ thể, cũng như cân đối vốn hoạt động.

Ngoài ra, các yếu tố về công nghệ, quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, marketing, thương hiệu và sáng tạo cũng góp phần quan trọng để doanh nghiệp khẳng định được chỗ đứng của mình trên thị trường toàn cầu luôn giàu tính cạnh tranh.

TS. Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược phát triển

Rõ ràng, mục tiêu “vươn ra biển lớn” của các doanh nghiệp Việt Nam là rất đáng trân trọng, bởi chiến lược này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cũng như đặt dấu ấn thương hiệu Việt trên thị trường thế giới. Muốn hiện thực hóa mục tiêu đó, bản thân doanh nghiệp luôn cần nỗ lực hết mình, trong khi các nhà làm luật cũng phải bám sát thực tế, để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả trong tình hình mới.