Di dời bộ, ngành: Đấu giá “đất vàng”

ANTĐ - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn cho biết, với các khu “đất vàng” có được sau khi di dời trụ sở các bộ, ngành, cơ quan chức năng sẽ xem xét việc chuyển đổi công năng rồi đem đấu giá công khai.

Không nên làm nhà thấp tầng trên “đất vàng” trong khi còn thiếu trường học

Quá tải nên phải di dời

Phân tích về nguyên nhân dẫn tới sự di dời của các bộ, ngành, Bộ Xây dựng cho biết, trụ sở của các bộ, ngành hiện phân tán tại các quận nội thành Hà Nội, thu hút lượng lớn cán bộ đến làm việc. Việc phân bố rải rác dẫn đến bất cập về hạ tầng, tập trung cao các phương tiện gây ách tắc giao thông cục bộ. Cùng với đó, nhiều bộ, ngành có quỹ đất chật hẹp, trụ sở xây dựng chắp vá, chưa phù hợp với nhu cầu sử dụng... Bộ Xây dựng cho biết số lượng các bộ, ngành cần di dời trụ sở làm việc trong thời gian tới dự kiến khoảng 11 bộ, 5 cơ quan Trung ương thuộc các đoàn thể, một cơ quan thuộc Chính phủ. Vị trí di dời các đơn vị trên là khu vực Tây hồ Tây (27ha đất để xây dựng trụ sở của 8 bộ, ngành) và khu vực Mễ Trì, xây dựng trụ sở 3 bộ và 5 cơ quan Trung ương các đoàn thể với tổng quỹ đất 20 - 50ha.

Trước băn khoăn của dư luận về cách thức xử lý các khu đất đắc địa dôi dư sau khi các bộ, ngành chuyển về “nhà” mới, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cho biết, những khu đất này sẽ thực hiện quản lý, sử dụng, chuyển đổi chức năng phù hợp với các quy hoạch, quy chế quản lý của TP Hà Nội. Trong đó, khuyến khích chuyển đổi chức năng các trụ sở cũ sang các mục đích công cộng, không gian xanh phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, đối với các trụ sở nằm ở các khu vực có hạ tầng tốt nhưng xa trung tâm thì cho chuyển đổi sang các mục đích thương mại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng trụ sở làm việc mới. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn nói: “Việc chuyển đổi chức năng cụ thể của từng lô đất sẽ được UBND TP Hà Nội, Bộ Tài chính đề xuất cụ thể ở các bước tiếp theo, điều này làm cơ sở cho việc định giá để thực hiện đấu giá công khai theo quy định”.

Không thể làm nhà ở

KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội cho rằng, cần phân tích, nghiên cứu cẩn trọng  để xây dựng bộ tiêu chí phục vụ cho công tác di dời bộ, ngành. Không chỉ căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất mà còn phải căn cứ vào thương hiệu của bộ, ngành. Theo ông Đào Ngọc Nghiêm, nhìn chung, địa điểm của các bộ, ngành trong khu vực nội đô sau khi di dời không thể làm nhà ở.  Còn dịch vụ công cộng, dịch vụ thương mại hay hạ tầng xã hội... cần cân nhắc từng vị trí với điều tra cụ thể về nhu cầu của từng địa phương. Di dời trụ sở bộ, ngành có định hướng lớn là phải để làm các công trình dịch vụ công cộng. Tuy thế, dịch vụ công cộng là những công trình gì thì cần tính toán cẩn trọng. Ví như, trụ sở của Bộ Xây dựng đang được dự kiến thành dự án nhà ở thấp tầng là chưa hợp lý khi mà quận Hai Bà Trưng còn có phường thiếu trường học. 

Theo các chuyên gia, việc di dời phải tính đến những tác động tới giao thông cho khu vực nội thành. Tổng số lượng cán bộ, viên chức hiện có lên đến con số vài chục vạn. Vậy nếu mới chỉ giải quyết việc di dời trụ sở mà không giải quyết vấn đề đi lại thì sẽ nảy sinh vấn đề về giao thông. Cùng với việc di dời trụ sở, công chức của các bộ, ngành này phải được đảm bảo thuận tiện về di chuyển. Ông Đào Ngọc Nghiêm bình luận: “Không nên để tình trạng một lượng lớn công chức có nhà trong nội thành nhưng lại đi làm tại Mễ Trì và Tây hồ Tây được. Làm vậy sẽ tạo ra giao thông “con lắc”, thêm phần ách tắc. Cần lưu ý rằng , số lượng ô tô của các cơ quan Trung ương là rất lớn”.