Đến khoai tây, hành tỏi bán rong cũng là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt

ANTD.VN - Hàng hóa nước ngoài giả mạo xuất xứ Việt Nam phổ biến tới mức, đến các mặt hàng giá trị nhỏ, tiêu dùng hàng ngày như: khoai tây, hành tỏi, hoa quả… nước ngoài cũng “gắn mác” hàng Việt.

Đến khoai tây, hành tỏi bán rong cũng là hàng Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt ảnh 1

Người tiêu dùng khó phân biệt khoai tây Trung Quốc và khoai tây Việt Nam

Khó ngăn chặn hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam

Sáng 26-11, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT- Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn “Thực trạng hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam: Thách thức và giải pháp”.

Ông Hoàng Ánh Dương- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, chỉ tính riêng lực lượng QLTT mỗi năm đã xử lý hàng chục nghìn vụ vi phạm xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng giả… Lực lượng QLTT nói riêng và lực lượng chức năng nói chung đã thu được kết quả đáng kể trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái.

“Tuy nhiên, trên thị trường còn tồn tại hàng giả hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ khiến kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu và mục tiêu đề ra, đặc biệt là các nhóm hàng liên quan đến an toàn thực phẩm, sức khỏe và môi trường”- ông Hoàng Ánh Dương nói.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT, xuất phát từ tâm lý người tiêu dùng và nhu cầu thực tế của người dân đối với hàng hóa đảm bảm chất lượng do Việt Nam và các nước phát triển sản xuất, các đối tượng dùng rất nhiều thủ đoạn, nhập hàng hóa nước ngoài về Việt Nam, gắn mác hàng Việt Nam hoặc các thương hiệu nổi tiếng.

“Chẳng hạn, nhiều người bán rong hoa quả, khoai tây, hành tỏi… xuất xứ Trung Quốc nhưng khi khách hỏi lại trả lời là hàng Việt Nam để bán được hàng. Vụ việc khoai tây Trung Quốc giả mạo khoai tây Đà Lạt vừa qua là một ví dụ”- đại diện Tổng cục QLTT dẫn chứng.

Ông Hoàng Ánh Dương cho biết thêm, hiện công tác kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn, đặc biệt là hàng nhập lậu sau khi đã được đưa qua các đường mòn, lối mở…

“Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng nên việc phát hiện vi phạm rất khó khăn. Đối với hàng hóa giả mạo xuất xứ không có doanh nghiệp chủ thể quyền rõ ràng như: hàng nông sản, hàng hóa nguyên liệu, hàng hóa giả mạo doanh nghiệp, địa chỉ không có thật… thì càng khó xử lý”- đại diện Tổng cục QLTT nói.

Chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe

Theo Thượng tá Đỗ Đức Tạo- Phó trưởng Phòng 11, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an), hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ luôn song hành.

Thượng tá Đỗ Đức Tạo cũng nêu bất cập trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ hiện nay. Cụ thể, Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 có quy định chi tiết về “quy mô thương mại”,“gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý” nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.

Điều 12, Nghị định 99/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp cũng quy định về đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý, mức xử phạt cao nhất cho hành vi này là phạt tiền không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng (mà không quy định mức trị giá hàng hóa tối đa để xử lý hình sự nên dù trị giá  hàng hóa vi phạm có thể lên đến hàng tỷ đồng hoặc nhiều hơn cơ quan chức năng vẫn có thể xử lý hành chính).

“Thực tế này dẫn đến một vi phạm vừa có thể xử lý bằng biện pháp hình sự vừa có thể xử lý bằng biện pháp hành chính. Thông thường, các cơ quan thực thi pháp luật thường chọn hình thức xử lý hành chính vì thủ tục và quy trình xử lý đơn giản hơn rất nhiều đối với thủ tục để xử lý vụ việc bằng biện pháp hình sự. Điều này gây tác động xấu đến ý thức tuân thủ pháp luật của chủ thể vi phạm pháp luật và các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm”- Thượng tá Đỗ Đức Tạo cho hay.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho biết, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Khi hàng giả đến cần ngăn chặn ngay từ khâu “cung” để số hàng này không đến được với “cầu”.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 141.000 vụ, phát hiện, xử lý 82.300 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước 430 tỷ đồng. Trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 150 tỷ, chuyển hồ sơ 107 vụ cho cơ quan công an, trong đó 26 vụ việc đã khởi tố, 29 vụ việc không khởi tố và 54 vụ đang điều tra, xử lý.

Riêng hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, trong 10 tháng đầu năm 2019, đã kiểm tra, xử lý 6.597 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách hơn 19 tỷ đồng. Vụ việc điểm hình là hàng giả quần áo, túi xách, đồng hồ giả mạo nhãn hiệu tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng; Vụ việc sản xuất hàng giả mạo nhãn hiệu The North Face trên địa bàn tỉnh Hưng Yên…