Đề xuất: Từ 2018, doanh nghiệp không được sử dụng hóa đơn tự in

ANTD.VN - Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ năm 2018 các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh sẽ không được phép tự in hóa đơn, mà phải mua hóa đơn do cơ quan thuế in (như quy định cách đây hơn 7 năm).

Bộ Tài chính vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo Nghị định về hóa đơn (sửa đổi), thay thế Nghị định 51/2010 và Nghị định 04/2014. Nếu được Chính phủ thông qua, Nghị định mới sẽ có hiệu lực từ 1-1-2018.

Theo dự thảo, hướng tới mục tiêu cơ bản việc thực hiện hóa đơn, chứng từ điện tử trong năm 2018 theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài chính đề xuất mở rộng diện sử dụng hóa đơn điện tử và hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại doanh nghiệp.

Đồng thời, từ năm 2018 các doanh nghiệp, tổ chức không được thực hiện đặt in hóa đơn, cơ quan thuế thực hiện đặt in hóa đơn để bán cho các doanh nghiệp mới thành lập, hộ, cá nhân kinh doanh.

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có thể sẽ không được tự in hóa đơn nữa

Doanh nghiệp mới thành lập chỉ được sử dụng hóa đơn in trong 6 tháng, sau đó sẽ được hỗ trợ chuyển sang dùng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Với một số trường hợp không có nhu cầu mua hóa đơn quyển, sử dụng ít hóa đơn sẽ mua hóa đơn của cơ quan thuế.

Những hóa đơn do tổ chức đã đặt in trước ngày 1-1-2018 được tiếp tục sử dụng trong năm 2018, sau đó chuyển sang hóa đơn điện tử.

Các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực siêu thị, trung tâm thương mại sử dụng hóa đơn tự in trực tiếp từ máy tính tiền và định kỳ chuyển dữ liệu cho cơ quan thuế.

Bộ Tài chính cho biết, sau gần 7 năm thực hiện Nghị định 51/2010 về hoá đơn, việc sử dụng hóa đơn đã chuyển từ cơ chế “mua hóa đơn của cơ quan thuế” sang cơ chế “doanh nghiệp tự đặt in, tự in hóa đơn” để sử dụng. Đồng thời thí điểm áp dụng hóa đơn điện tử. Năm 2016, cả nước có 656 doanh nghiệp thực hiện hóa đơn điện tử, với tổng số hóa đơn điện tử đã sử dụng là trên 277 triệu hoá đơn.

Tuy vậy, Bộ Tài chính nhìn nhận, Nghị định 51 vẫn chưa tạo điều kiện về pháp lý đầy đủ cho việc mở rộng sử dụng hóa đơn điện tử, dù việc áp dụng công nghệ đã phổ biến hơn.

Trong khi việc sử dụng hóa đơn giấy vẫn phổ biến, dẫn tới một số đối tượng lợi dụng sự thông thoáng để thành lập nhiều doanh nghiệp, hoặc mua lại doanh nghiệp. Thực tế những doanh nghiệp này không kinh doanh nhưng được sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng; hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách Nhà nước, không kê khai nộp thuế để trốn thuế...