Đề xuất tái khởi động các dự án điện hạt nhân

ANTD.VN - Ông Nguyễn Quân- nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN cho rằng, nguồn điện từ năng lượng tái tạo vừa an toàn lại hiệu quả đối với Việt Nam trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt.

Cần nhiều giải pháp để sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả

Ngày 21-8, Bộ Công Thương tổ chức diễn đàn “Tiết kiệm năng lượng cho ngành công nghiệp Việt Nam phát triển bền vững”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Quân cho rằng, Việt Nam đang phải nhập khẩu than, tới đây là khí hoá lỏng phục vụ cho sản xuất điện của các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí. Bên cạnh đó, thuỷ điện đã hết nguồn công suất, còn năng lượng tái tạo giàu tiềm năng nhưng hiệu quả thấp, không ổn định. Bởi vậy, cần nghĩ tới một loại hình năng lượng khác thay thế, đó là điện hạt nhân.

Theo ông Nguyễn Quân, hiện nay, Việt Nam đang đứng đầu ASEAN về công nghệ hạt nhân. Lò phản ứng hạt nhân của Việt Nam rất có hiệu quả và đem lại nhiều lợi ích.

"Vì một số lý do, trước mắt chúng ta phải dừng điện hạt nhân, nhưng về lâu dài tôi nghĩ một ngày nào đó phải quay trở lại"- nguyên Bộ trưởng Bộ KH-CN nói. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quân cho rằng, phát triển điện hạt nhân không nên để nước ngoài làm theo phương thức “chìa khóa trao tay” vì trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, người ta có thể điều khiển một nhà máy điện hạt nhân từ cách xa hàng trăm nghìn cây số, thậm chí từ không gian.

Năng lượng điện hạt nhân ảnh hưởng đến an ninh năng lượng, an ninh quốc gia nên có thể mời đầu tư nước ngoài vào làm cho Việt Nam, sau đó trao lại quyền vận hành cho người Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện toàn quốc trong các giai đoạn tới mặc dù sẽ giảm đáng kể so với trước đây nhưng vẫn ở mức rất cao nếu so sánh với các nước trên thế giới, cụ thể là 10,6%/năm (giai đoạn 2016 - 2020), 8,5%/năm (giai đoạn 2021-2025) và 7,5%/năm (giai đoạn 2026 - 2030).

Nếu tổng công suất đặt của toàn hệ thống hiện nay là khoảng 54.000 MW (bao gồm cả năng lượng tái tạo) thì đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 60.000 MW và dự kiến lên đến 129.500 MW vào năm 2030.

Đây là một thách thức lớn đặt ra với ngành năng lượng trong việc đảm bảo thu xếp và huy động nguồn vốn đầu tư rất lớn để mở rộng, nâng cấp lưới điện truyền tải, phân phối, đầu tư, phát triển nguồn điện mới cũng như cung ứng đủ các nguồn năng lượng sơ cấp cho các nhà máy điện.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, cách đây vài tháng đã có đề xuất tái khởi động các dự án điện hạt nhân, nhưng đề xuất này  đang được xem xét cẩn trọng. Trước mắt, cần thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng.

Việt Nam còn dư địa lớn để tiết kiệm năng lượng. Vì vậy, thời gian tới, giải pháp cần triển khai thực hiện đó là hoàn thiện, xây dựng, đồng bộ cơ chế thị trường năng lượng, trong đó, cơ chế vừa phải tạo ra động lực vừa là áp lực, để cả giai đoạn năm 2019 -2030 phải tiết kiệm 8-10% tổng năng lượng tiêu thụ tại Việt Nam.