Đề xuất cải tạo toàn bộ hệ thống chợ Hà Nội

ANTD.VN - Trước tình trạng xuống cấp, nhếch nhác, không an toàn của hệ thống chợ dân sinh của Hà Nội hiện nay, nhà đầu tư đã đề xuất cải thiện hệ thống chợ của Thủ đô. 

Chợ Ngã Tư Sở nhếch nhác, không đảm bảo các tiêu chí an toàn

Trước thực trạng chợ dân sinh của Hà Nội hoặc lụp xụp, không đạt yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ hoặc chợ xây mới hiện đại nhưng “vắng như chùa bà đanh”, liên danh nhà đầu tư đưa ra phương án mới để cải tạo các chợ của Hà Nội, đáp ứng được 6 tiêu chí: Khả thi; Điểm nhấn; Xanh, sạch, văn minh; Công nghệ cao; Kết hợp kinh doanh trực tuyến (online) và tiểu thương kinh doanh hiệu quả.

Xuống cấp, nhếch nhác, không an toàn

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố hiện có 454 chợ đang hoạt động. Tổng lượng hàng hóa lưu chuyển qua chợ chiếm khoảng 60%, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, phần lớn các chợ hiện có đã xuống cấp.

Một số địa bàn chưa có chợ hoặc số lượng chợ chưa đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân dẫn đến phát sinh thêm tình trạng chợ cóc, chợ tạm gây mất mỹ quan đô thị, mất trật tự an toàn giao thông, hàng hóa không được kiểm soát về nguồn gốc, không đảm bảo về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường... điển hình như chợ Minh Khai- Từ Liêm, chợ Long Biên, chợ Ngã Tư Sở, chợ Nghĩa Đô, chợ Chẹ (Ba Vì). Vụ cháy chợ Thịnh Liệt (Thanh Trì) hồi tháng 4-2018 cũng cho thấy phần nào tình trạng không đảm bảo an toàn cho tiểu thương và người dân khi kinh doanh, mua bán tại các chợ hiện có.  

Trên thực tế, tình trạng xuống cấp nêu trên của các chợ tại Hà Nội tồn tại đã lâu. Bởi vậy, TP Hà Nội đã cho phép tiến hành cải tạo, xây mới một số chợ, kết hợp trung tâm thương mại như: chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Trung Hòa… để tiểu thương kinh doanh.

Tuy nhiên, từ lúc đi vào hoạt động đến nay, các mô hình bán lẻ mới này đều lâm vào cảnh “vắng như chùa bà đanh”. Nguyên nhân là do thời gian xây dựng, cải tạo chợ quá lâu (thường 3-4 năm) dẫn đến tiểu thương mất khách hàng thường xuyên. Lực lượng kinh doanh chính tại các chợ trước đây là tiểu thương được chuyển xuống tầng hầm, mất đi lợi thế kinh doanh ở vị trí thuận lợi trước đây.

Nhiều chợ sau khi cải tạo đã tăng giá cho thuê kios quá cao nên tiểu thương phản đối mạnh mẽ, khiếu kiện liên miên. Trong khi đó, một số chủ đầu tư lập lờ không làm rõ quyền lợi của tiểu thương, không cam kết nghiêm túc với tiểu thương để đạt mục tiêu tối đa lợi nhuận.

Về phía người tiêu dùng, các chợ đã được cải tạo, xây mới bố trí vị trí mua bán được đánh giá là không thuận lợi, không phù hợp với thói quen của người tiêu dùng, giá cả hàng hóa tăng cao. Do đó, cả người bán và người mua đều không mặn mà vào chợ.

Dân số Hà Nội ngày càng đông, nhu cầu mua sắm đồ dùng dân sinh ngày càng nhiều. Việc xây dựng, cải tạo hệ thống chợ văn minh, hiện đại, hàng hóa đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ là yêu cầu cấp bách.

Thế nhưng, sự thất bại của mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại khiến các nhà đầu tư e dè, không muốn tham gia vào hoạt động này.

Mô hình chợ Hà Nội tương lai

Trong bối cảnh “tiến thoái lưỡng nan” nêu trên, Liên danh Công ty CP Tập đoàn Amaccao, Công ty CP phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam và Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành đã đề xuất và trình bày phương án đầu tư toàn bộ hệ thống chợ tại Hà Nội, bao gồm chợ xây mới, chợ cải tạo, chợ nâng cấp.

Tiêu chí chợ tương lai được nhà đầu tư này đưa ra là: Khả thi; Điểm nhấn; Xanh, sạch, văn minh; Công nghệ cao; Kết hợp kinh doanh online và tiểu thương và các tổ’ chức kinh doanh hiệu quả.

Cụ thể, với phương án đề xuất, nhà đầu tư cho biết, thời gian tiểu thương tạm ngừng hoạt động kinh doanh sẽ không dài như các dự án cải tạo, xây mới trước đây. Đáng chú ý là 90% tiểu thương vẫn được kinh doanh tại vị trí cũ ngay cả trong thời gian thi công do nhà thầu áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực xây dựng.

Bên cạnh đó, tiểu thương còn có quyền lợi quảng cáo sản phẩm đặc sắc của mình, áp dụng các chính sách như: phiếu mua hàng, giảm giá để thu hút người mua; Được đào tạo về kỹ năng, văn hóa kinh doanh…

Đại diện nhà đầu tư cho biết, chợ tương lai đương nhiên phải đáp ứng các yêu cầu về xanh, sạch, văn minh, đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ… theo yêu cầu và có điểm nhấn về kiến trúc. Và một trong những điểm khác biệt lớn tại các chợ mới này là có kết hợp kinh doanh online, nhằm bắt kịp xu thế mới trong hoạt động thương mại hiện nay.

“Điểm yếu của kinh doanh trực tuyến là cần các điểm trưng bày, trung chuyển, kiểm tra... Nếu không có hệ thống này, kinh doanh trực tuyến sẽ không phát triển được. Việc nhà đầu tư được sở hữu mạng lưới chợ trên nhiều địa bàn sẽ hỗ trợ kinh doanh trực tuyến kết hợp thành loại hình kinh doanh hiện đại đảm bảo sự phát triển bền vững và tương lai cho chợ”- đại diện nhà đầu tư nói.

Theo tính toán của nhà đầu tư, trong 5 năm đầu, nhà đầu tư có thể lỗ, tuy nhiên, tình tình triển khai dự án và hiệu quả của dự án được đánh giá là khả thi. Liên danh nhà thầu đề xuất dự án cải tạo, xây dựng chợ trên địa bàn Hà Nội chia thành 3 dự án thành phần. Mỗi dự án bao gồm các chợ trên địa bàn khoảng 10 quận, huyện (đồng đều tỷ lệ số chợ: gồm các chợ hạng 1, hạng 2 và hạng 3; chợ xây dựng mới, chợ đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp gắn với phương án chuyển đổi mô hình quản lý chợ).

Trong giai đoạn thí điểm, nhà đầu tư đề xuất thực hiện thí điểm  tại 9 chợ, gồm: 2 chợ xây dựng mới, 7 chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Dự án thí điểm dự kiến khởi công trong quý IV-2018 và hoàn thành vào quý I-2019.

Về tổng thể, Liên danh nhà đầu tư đề xuất lập 1 dự án toàn bộ các chợ có nhu cầu đầu tư xây dựng mới giai đoạn 2018-2022 (gồm 115 chợ) trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành.

Đối với các chợ đầu tư cải tạo, nâng cấp gắn với chuyển đổi mô hình quản lý chợ, nhà đầu tư đề xuất xây dựng từ 4 đến 6 phương án (mỗi phương án tương ứng gồm 20 đến 30 chợ, tổng số 120 chợ) làm cơ sở trình thành phố phê duyệt để tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.