Xây dựng thị trường điện cạnh tranh:
Để xóa bỏ độc quyền
(ANTĐ) - Hôm qua, 9-4, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Xây dựng thị trường điện cạnh tranh lành mạnh” để bàn về những giải pháp tái cơ cấu ngành điện ở nước ta.
Các ý kiến tại hội thảo đều khẳng định việc xây dựng thị trường điện cạnh tranh là cần thiết và phải được tiến hành từng bước, chắc chắn.
“Phải cạnh tranh triệt để”!
Ông Lê Văn Dĩnh - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nhà máy điện Tây Ninh bày tỏ: “Cần phải xây dựng thị trường điện cạnh tranh triệt để, tránh tình trạng bên ngoài thì cạnh tranh nhưng bên trong vẫn giữ độc quyền”. Theo ông Dĩnh thì cạnh tranh trong ngành điện sẽ mang lại lợi ích cho khách hàng sử dụng điện và doanh nghiệp. Ông Dĩnh đã vạch ra mục tiêu tự sản xuất và cung cấp điện cho khu công nghiệp có diện tích 1.200ha để ổn định nguồn điện và giá cả nhưng hơn mười năm nay, ông vẫn chỉ hy vọng sẽ được tham gia vào thị trường điện cạnh tranh!
Lắp đặt các hệ thống cáp đường dây truyền tải điện. |
Theo ông Nguyễn Minh Duệ - Giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành điện đã chậm chạp hơn so với ngành viễn thông trong việc xây dựng thị trường tự do cạnh tranh. Cùng là ngành độc quyền, được bao cấp nhưng ngành viễn thông đã nhanh chóng cạnh tranh mở rộng. Trong khi đó, ngành điện vẫn ì ạch với quá trình bàn bạc “tái cơ cấu”. “Vì sự chậm trễ trong xây dựng thị trường cạnh tranh này mà khách hàng sử dụng điện ở nước ta chỉ nghe thấy “lộ trình tăng giá điện” mà không bao giờ được biết đến “lộ trình giảm giá điện”.
Từ khi ngành điện đi vào hoạt động đến nay, hầu như mỗi năm điện đều tăng giá. Nhưng xây dựng thị trường điện cạnh tranh lành mạnh thì giá bán điện sẽ được điều tiết theo cơ chế thị trường, có tăng giá, có giảm giá”- ông Duệ cho biết thêm.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh Hiến- Nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng- Bộ Công Thương bày tỏ: “Tăng giá điện, lý do ngành điện đưa ra thì rất nhiều, vì thiếu vốn, thiếu nhiên liệu... Khi cho nhà đầu tư cạnh tranh lành mạnh, nhà máy điện nào thấy có lãi thì làm, ít nhất không còn cảnh tăng giá điện liên tục”.
Theo tính toán của các chuyên gia, nếu lấy hệ số chiết khấu 10% thì các nhà đầu tư sau 10 năm là hoàn vốn, và 10 năm sau là có lãi. Chi phí cho ngành điện được tính bằng chi phí đầu tư và chi phí nhiên liệu, khi chi phí đầu tư đã hoàn vốn thì chi phí nhiên liệu phải phụ thuộc vào thị trường, mà cụ thể là giá khí, giá than...
Không nên xé lẻ EVN thành nhiều công ty nhỏ
Xây dựng thị trường điện tự do cạnh tranh, tránh độc quyền của một tập đoàn kinh tế không có nghĩa là xé lẻ EVN ra thành nhiều công ty nhỏ và giao cho người ngoài EVN nắm giữ.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đưa ra quan điểm: “Tách EVN thành 3-4 công ty nhỏ là điều rất vô lý. Khi ấy, vấn đề tổ chức sẽ vô cùng rắc rối”. Việc làm này có thể dẫn đến hậu quả thị trường điện bị phá vỡ. Do vậy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề xuất phương án: Tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (Ao) ra khỏi EVN.
Theo ý kiến của một số đại biểu, mặc dù việc xây dựng thị trường điện tự do cạnh tranh ở Việt Nam hiện nay vừa chậm, vừa muộn nhưng các bước tiến hành vẫn cần phải được triển khai. Vấn đề nào hiện đang vướng mắc nhất sẽ được tập trung giải quyết trước. Ông Ngãi bày tỏ: “Chúng tôi muốn cơ cấu lại khâu mua bán điện đầu tiên. Đây là gốc rễ của vấn đề, bởi không phải lúc nào người dân cũng phải chịu tăng giá điện. Khâu truyền tải, phân phối có thể do EVN đảm nhiệm, các khâu còn lại Nhà nước sẽ nắm vai trò chi phối”.
Các công ty mua bán điện phải thuộc Bộ Tài chính còn trung tâm điều độ hệ thống điện phải trực thuộc Bộ Công Thương thì mọi quá trình sản xuất, mua bán điện mới cạnh tranh, minh bạch.
Hiện nay, mọi hoạt động liên quan đến điện đều do Cục Điều tiết điện lực- Bộ Công Thương quản lý. Do khối lượng công việc quá nhiều nên cơ quan này khó có thể bao quát được mọi hoạt động.
Trong khi đó, ngành điện còn liên quan đến khí, than... Một ví dụ gần đây nhất cho sự không thể bao quát trong quản lý là việc không thống nhất đựơc giá điện giữa Tập đoàn Công nghiệp, Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Do đó, cần thành lập một cơ quan, tổ chức có chức năng điều tiết năng lượng nói chung để giải quyết các vấn đề nảy sinh liên quan đến ngành điện.
Tất cả các bước tái cơ cấu ngành điện, xây dựng mô hình thị trường điện cạnh tranh... cần có sự phản biện trong từng khâu thực hiện để thị trường điện đảm bảo cạnh tranh lành mạnh.
Vân Hằng