Đề nghị bỏ quy định cho không tiền điện người nghèo: Chuyên gia kinh tế không đồng tình

ANTD.VN -  Chuyên gia kinh tế không đồng tình với quan điểm của Bộ Tài chính là "việc bãi bỏ chính sách hỗ trợ cho không tiền điện người nghèo còn giúp Nhà nước tiết kiệm được nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm". 

Nhiều hộ gia đình khó khăn mong muốn có điện thắp sáng

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm, trong giai đoạn 2011-2017, ngân sách Nhà nước đã chi hơn 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ tiền điện cho người nghèo. Riêng năm 2018, Nhà nước bố trí hơn 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ.

Nếu ngừng hỗ trợ, Nhà nước tiết kiệm được nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm. Trên cơ sở đó ngân sách Nhà nước có thêm nguồn lực để bố trí vốn, kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác. 

"Có nhiều lý do nhưng vì lý do như Bộ Tài chính nói ở trên thì quá tàn nhẫn với người nghèo. Đồng bào vùng sâu, vùng xa nhờ chính sách ưu đãi này mới có điện để thắp sáng. Ngược lại, nếu ngừng hỗ trợ, nhiều người trong số họ không có điện để dùng"- ông Nguyễn Minh Phong nói.

Còn về cách thức thực hiện là hỗ trợ bằng tiền mặt không hiệu quả, không bền vững thì các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện phải tìm cách làm tốt hơn, tránh thất thoát.

Theo chuyên gia kinh tế Đặng Đình Đào, khi chuẩn nghèo đã thay đổi, đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi này rộng hơn, gánh nặng ngân sách càng lớn thì Bộ Tài chính đề nghị xem xét lại việc hỗ trợ tiền điện là cần thiết.

"Tuy vậy, nếu vì đối tượng hưởng ưu đãi nhiều hơn, cắt hỗ trợ để ngân sách có thêm vài nghìn tỷ đồng thì tôi không ủng hộ, bởi lẽ có những dự án lớn lãng phí hàng nghìn tỷ đồng chưa giải quyết được, mà lại cắt hỗ trợ với đối tượng cần được hỗ trợ thì không ổn.

Ở nhiều địa phương, người dân còn nghèo lắm. Người nghèo thành phố có thể vẫn có điện, nhưng người nghèo ở vùng sâu, vùng xa thì không chắc có điện nếu không được hỗ trợ" - GS. TS Đặng Đình Đào cho hay.

Cũng theo vị này, chính sách an sinh xã hội cho người nghèo như: giáo dục, y tế... khác với chính sách ưu đãi giá điện, không thể gộp vào làm một. 

"Cần xem xét lại cách thức hỗ trợ để người nghèo thật sự được hỗ trợ, không thể cắt bỏ luôn như vậy. Về đối tượng, nên cân nhắc lại đối tượng để khoanh vùng, để sự hỗ trợ này đến đúng nơi cần đến"- GS. TS Đặng Đình Đào nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ Tài chính kiến nghị dừng chính sách cho không tiền điện với người nghèo từ ngày 1-1-2019.

Theo Bộ Tài chính, cùng với các chính sách an sinh xã hội khác, chính sách hỗ trợ hộ nghèo tiền điện đã góp phần giải quyết khó khăn cho không ít người dân, giảm bớt tác động của các đợt điều chỉnh giá điện.

Tuy nhiên, thực tế cũng phát sinh nhiều vấn đề bất hợp lý. Cụ thể là: phạm vi đối tượng hỗ trợ rộng, thay đổi thường xuyên do quy định hộ chính sách xã hội phải có lượng điện sử dụng dưới 50kWh/tháng, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng chưa có điện lưới… không phân biệt giàu nghèo, điều này đã tạo ra sự bất cập nhất định.

Đáng chú ý, "việc hỗ trợ đối tượng thụ hưởng bằng tiền mặt nên về mặt lâu dài bền vững đã không mang lại hiệu quả. Chưa kể, các hộ gia đình thanh toán tiền điện theo thông báo của cơ quan điện lực qua điện thoại, tin nhắn nên không có hóa đơn nên muốn lấy hóa đơn phải đến cơ quan Điện lực yêu cầu"- Bộ Tài chính cho hay.

Bên cạnh đó, điều kiện hỗ trợ chính sách đối với đối tượng hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) không còn phù hợp; chính sách hỗ trợ chỉ mang tính ngắn hạn, không bền vững và một số vấn đề khác.