Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10):

Để không thua trên sân nhà

ANTĐ - Kinh tế Việt Nam đang có những bước phục hồi vững chắc, tăng trưởng khả quan. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam cũng đang hội nhập sâu hơn với thị trường quốc tế thông qua các hiệp định thương mại lớn. Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10), phóng viên ANTĐ nhận được những chia sẻ thẳng thắn và sâu sắc từ người “đứng mũi, chịu sào” của doanh nghiệp.

Để không thua trên sân nhà ảnh 1TPP mở ra một thị trường lớn ở phạm vi toàn cầu theo đó cũng đòi hỏi chất lượng nhân sự
ở mức cao hơn

Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty cổ phần May Hưng Yên: Không đối mặt cạnh tranh, thì tìm chọn kẽ - ngách để phát triển

Để không thua trên sân nhà ảnh 2

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể nói cơ hội đối với các doanh nghiệp ngành dệt may là rất lớn. Nhiều sản phẩm hiện có dòng thuế từ 10 - 20%, thậm chí đến 30% sẽ được điều chỉnh giảm dần xuống mức 0%. Đây là một chiếc “bánh vẽ” rất đẹp, tuy nhiên cơ hội để thực hiện lại là thách thức rất lớn. Ngành dệt may hiện nay có tới 65% nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ nước ngoài không thuộc TPP. 

Như vậy vấn đề là đầu tư về ngành dệt, ngành nhuộm tất nhiên là phải có. Song, hiện nay khả năng vốn, công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được, nên còn phải chờ các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư cùng với doanh nghiệp trong nước. 

Doanh nghiệp chúng tôi xác định, mình là một thành phần trong chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may cho toàn thế giới. Khâu mà chúng tôi đang làm tốt là khâu may phải cố gắng làm tốt hơn, để khi cơ hội tới có thể cạnh tranh với những yếu tố hơn hẳn khâu may của các nước khác. 

Hiện chúng tôi đang thực hiện chiến lược chia sẻ thị trường, trước đây nguyên, phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, tuy nhiên thời gian tới sẽ mua thêm nguyên, phụ liệu tại một số nước khác cũng có khả năng cung ứng tốt như Malaysia, thậm chí có thể lấy hàng dệt của Mỹ. Như vậy, ngoài việc cố gắng đầu tư trong nước, doanh nghiệp nội phải cố gắng tìm các nguồn nguyên liệu thay thế từ 1 trong 12 nước thành viên TPP. 

Về cạnh tranh, doanh nghiệp Việt Nam không ôm cả chuỗi được. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng có sự phân chia các khâu. Sản phẩm may cũng như vậy, có những hãng hình thành hàng trăm năm, có thị trường lớn với hàng nghìn đại lý bán hàng trên toàn thế giới, mình khó có thể vươn tới được, do đó tốt nhất là, doanh nghiệp sản xuất như chúng ta cần phải làm tốt nhất một khâu chuyên biệt trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta phải lựa chọn khâu nào, công đoạn nào có khả năng làm tốt nhất để thực hiện. Không thể cạnh tranh theo cách đối mặt, mà phải tìm những kẽ, những ngách mới phát triển được. Doanh nghiệp nước ngoài có thể thực hiện chuyên sâu vào một mặt hàng, còn doanh nghiệp của mình phải làm nhiều mặt hàng, kéo theo đó là đòi hỏi nâng cao trình độ tay nghề của người lao động. 

Ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty “AROMA - Tiếng Anh Cho Người Đi Làm”: Đòi hỏi nhân lực chất lượng cao

Để không thua trên sân nhà ảnh 3

Xã hội ngày càng phát triển với rất nhiều kênh thông tin, nên thông tin về khởi nghiệp tác động tới rất nhiều người. Trong số đó, không ít người có điều kiện phù hợp và sẵn sàng khởi nghiệp, nhưng có những người “non” hơn một chút và cũng có những người hoàn toàn không phù hợp cho việc khởi nghiệp nhưng bị cuốn theo luồng thông tin cổ vũ, khuyến khích bắt tay vào khởi nghiệp. 

Có không ít thông tin về những doanh nghiệp thành công từ 0 đồng... tuy nhiên đó chỉ là những câu chuyện có phần “tô vẽ” sau khi họ đã khởi nghiệp thành công. Tuy nhiên, nhìn lại quá trình khởi nghiệp của mình, cũng giống như nhiều doanh nghiệp trẻ trên thị trường hiện nay có thể nói thành công không phải từ mong muốn, mà phải bắt đầu từ những điều kiện thực tế.

Như bất kỳ một doanh nghiệp nào, khi mới bắt đầu những khó khăn cơ bản vẫn là nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý, lập kế hoạch kinh doanh, điều hành, nhân sự... Nhưng khó khăn lớn hơn, ẩn sâu hơn là khả năng nhìn nhận vấn đề, khả năng tư duy và nói một cách thẳng thắn là năng lực của người đứng đầu doanh nghiệp. 

Những cái thiếu như kể trên chỉ là yếu tố bên ngoài, nếu người đứng đầu doanh nghiệp có năng lực thì tự sẽ khắc phục được. Để khởi nghiệp, đầu tiên phải là chất lượng của ý tưởng và chất lượng của sản phẩm. Hiện nay các ý tưởng và sản phẩm khởi nghiệp rất nhiều, nhưng khi nhìn vào thì rất hiếm ý tưởng và sản phẩm có chất lượng. Mặc dù vậy, có một thực tế là những người sở hữu ý tưởng lại quá say mê, quá nhiệt huyết và nghĩ rằng muốn là sẽ làm được, nhưng thành công hay không lại do thị trường quyết định. 

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo, tôi nhận thấy, trong thời gian tới khi các hiệp định thương mại được triển khai, đặc biệt là việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) có một điều khoản đáng chú ý là cho phép luân chuyển tự do nguồn lao động. Khi đó người Việt Nam ngay lập tức phải đối mặt với những lao động có chất lượng rất cao từ Singapore, Malaysia, Philippines với năng lực làm việc, trình độ ngoại ngữ hơn hẳn. Áp lực đó lại là cơ hội cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đào tạo. 

TPP sẽ mở ra một thị trường lớn ở phạm vi toàn cầu, theo đó nguồn nhân lực cũng giao thoa với thị trường toàn cầu, đi cùng những đòi hỏi nhân lực chất lượng cao để đáp ứng các yêu cầu đó. Trong khi đó, nếu nhân lực Việt Nam không đáp ứng được, sẽ thua ngay trên sân nhà.