Đề án thành lập Ngân hàng Hồng Việt: Đường ai nấy đi?

(ANTĐ) - Sau quyết định rút vốn khỏi Ngân hàng Hồng Việt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý về mặt nguyên tắc cấp phép thành lập này nhiều khả năng sẽ phải “giải tán”. Trong bối cảnh hiện nay, việc dừng lại một đề án thành lập ngân hàng cũng là hợp lý, nhưng đi kèm đó là hàng loạt vấn đề “đau đầu” được đặt ra.

Đề án thành lập Ngân hàng Hồng Việt: Đường ai nấy đi?

(ANTĐ) - Sau quyết định rút vốn khỏi Ngân hàng Hồng Việt của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam), ngân hàng vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý về mặt nguyên tắc cấp phép thành lập này nhiều khả năng sẽ phải “giải tán”. Trong bối cảnh hiện nay, việc dừng lại một đề án thành lập ngân hàng cũng là hợp lý, nhưng đi kèm đó là hàng loạt vấn đề “đau đầu” được đặt ra.

Cổ đông sáng lập: “Đường ai nấy đi”?

Mới năm trước, hoạt động đầu tư tài chính như ngân hàng, chứng khoán trở thành một lực hấp dẫn lớn với rất nhiều doanh nghiệp, trong đó “phong trào” lập ngân hàng trở thành “mốt thời thượng” của nhiều “đại gia”. Hồ sơ xin cấp phép thành lập ngân hàng được tới tấp gửi đến NHNN và đều có “bóng dáng” các tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Như NH Tiên Phong (đã đi vào hoạt động) với sự góp vốn của các cổ đông lớn như Tập đoàn FPT, VMS MobiFone, Tổng Công ty Tái bảo hiểm Vinare; NH Bảo Việt (đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc) bao gồm các cổ đông như Tập đoàn Bảo Việt, NHTMCP Đông Nam á, Vinamilk... Trong đó, Hồng Việt (đã được chấp thuận về mặt nguyên tắc cấp giấy phép thành lập) là một “tên tuổi” khá nổi với vốn điều lệ lớn nhất: 5.000 tỷ đồng của nhiều “đại gia” như Tập đoàn Dầu khí (Petro Vietnam) - vốn góp nhiều nhất là 1.000 tỷ đồng; Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quốc tế, Tập đoàn Hòa Phát, Tổng Công ty Bia, Rượu, Nước giải khát Hà Nội (Habeco)...

Tuy nhiên, mới đây không lâu, Hòa Phát-một trong 6 cổ đông sáng lập đã gửi kiến nghị lên Ban trù bị NH Hồng Việt xin rút lại 300 tỷ đồng trong số 400 tỷ đồng vốn đã góp do tiền thì đóng đã lâu nhưng ngân hàng vẫn chưa được chính thức cấp giấy phép thành lập và hoạt động trong khi bản thân doanh nghiệp thì thiếu vốn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Ban trù bị thành lập NH Hồng Việt đã từ chối thẳng thừng đề nghị này với lý do, theo quy định, kể từ khi được chấp thuận nguyên tắc thành lập và hoạt động, vốn điều lệ phải được gửi vào tài khoản một ngân hàng và không được sử dụng cho đến ngày cấp phép chính thức. Và khi NHNN cấp phép chính thức thì toàn bộ số tiền này sẽ bị phong tỏa theo luật. Chủ tịch HĐQT Petro Vietnam, ông Đinh La Thăng còn khẳng định: “Khi đã thống nhất thì phải cam kết và theo luật, không thể có chuyện thích vào thì vào, thích ra thì ra”.

Sự việc này còn chưa được ngã ngũ thì đến lượt Petro Vietnam bất ngờ có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ xin phép rút vốn khỏi NH Hồng Việt bởi tập đoàn này đã góp vốn gần 10% vào NHTMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank). Diễn biến này đặt ra 2 khả năng về “tương lai” của Hồng Việt: Các cổ đông sáng lập khác vẫn “kiên định” mục tiêu thành lập và hoạt động NH mà không cần có sự tham gia của Petro Vietnam hoặc tất cả cùng theo chân Petro Vietnam để “đường ai nấy đi”.

Nhà đầu tư nhỏ: “Đi đâu về đâu”?

Petro Vietnam tiếp tục “đổ vốn” vào GP Bank

Cuối giờ chiều qua (28-7), Petro Vietnam đã đưa ra ý kiến chính thức về việc không tiếp tục tham gia góp vốn thành lập NHTMCP Hồng Việt.

Theo đó, việc rút vốn là để cắt giảm chỉ tiêu đầu tư công nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô. Trên cơ sở xem xét, đánh giá các thỏa thuận đạt được, Petro Vietnam sẽ tiếp tục góp vốn mua cổ phần trong đợt phát hành tăng vốn điều lệ sắp tới của NHTMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank) - ngân hàng hiện Petro Vietnam đang nắm 9,5% vốn điều lệ. Việc xử lý những vấn đề còn lại liên quan với các cổ đông đã tham gia góp vốn thành lập NHTMCP Hồng Việt đảm bảo bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ của các cổ đông đã được Petro Vietnam trao đổi, thống nhất với các cổ đông và đã được Đại hội đồng cổ đông của Ngân hàng TMCP Hồng Việt thông qua ngày 24-7-2008.

 Việc tiếp tục các thủ tục xin cấp giấy phép thành lập và hoạt động cho NHTMCP Hồng Việt là phụ thuộc vào nguyện vọng, quyết định của các cổ đông còn lại.

Tuy nhiên, “phương án 2” có nhiều khả năng hơn cả bởi sự “rã đám” đã xuất hiện trước đó mà đề nghị rút vốn của Hòa Phát là một biểu hiện. Một cổ đông sáng lập khác là Habeco với vốn góp 250 tỷ đồng cũng có chung mong muốn “sớm được hoàn vốn”. Ông Nguyễn Văn Việt - Tổng Giám đốc Habeco cho phóng viên ANTĐ biết như vậy chiều 28-7. Cũng theo ông Việt, tổng công ty này sẽ không tham gia góp vốn thành lập bất cứ ngân hàng nào khác để tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính của mình. “Chúng tôi tin tưởng, vốn được gửi vào an toàn, rút ra an toàn và còn được hưởng lãi suất nữa” - ông Việt nói.

“Việc dừng lại đề án hoạt động Ngân hàng Hồng Việt thời điểm hiện nay cũng là hợp lý, nhất là trong bối cảnh hoạt động đầu tư ra ngoài của nhiều tổng công ty, tập đoàn trở nên báo động như thời gian vừa qua. Mặt khác, hứa hẹn về lợi nhuận trong kinh doanh ngân hàng cũng đã “xẹp” xuống trước cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu”. Một chuyên gia tài chính nhận định. Tuy nhiên, bên cạnh việc chấp nhận bỏ phí công sức trong một thời gian dài cho công tác chuẩn bị thành lập NH thì Ban trù bị cũng “đau đầu” với không ít những vấn đề sau đó. Đó là việc hoàn vốn cho các cổ đông sáng lập (trong đó có phần vốn góp của cán bộ công nhân viên của Petro Vietnam), là việc “đi đâu về đâu” của bộ máy nhân sự và nhất là xử lý như thế nào với những nhà đầu tư đã mua đi bán lại cổ phiếu của ngân hàng trên thị trường OTC?

Còn nhớ, ngay từ khi dự án thành lập NHTMCP Hồng Việt (khi ấy vẫn mang tên Dầu khí) mới manh nha, trên thị trường OTC, quyền mua cổ phiếu của NH này đã được rao bán với mức giá “vài chấm”. Và mặc dù, khi NH này được chấp nhận về mặt nguyên tắc thành lập thì TTCK đang “nguội” khá nhanh nhưng cổ phiếu của NH này vẫn được rao bán ở mức giá trung bình 15.000 đến khoảng 20.000đ/CP. Và những nhà đầu tư trót mua lại cổ phiếu của Hồng Việt trên thị trường OTC đang rất hoang mang, không biết cổ phiếu của mình “đi đâu về đâu”, nhất là trong vài ngày qua, giao dịch cổ phiếu của Hồng Việt đã gần như “đóng băng”.

NHNN trước đó đã từng cảnh báo rằng, nhà đầu tư không nên mua bán quyền mua cổ phiếu hoặc cổ phiếu của những ngân hàng chưa được cấp giấy phép hoạt động. Sự việc này một lần nữa là cảnh báo rõ ràng nhất tới những nhà đầu tư cổ phiếu thiếu thận trọng.

Thảo Nguyên