Đầu tư hạ tầng giao thông: Vốn khủng, rủi ro cao

ANTĐ - Ước tính, từ nay đến năm 2020, bình quân mỗi năm cần khoảng 45.000 tỷ đồng đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông. Ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ, việc kêu gọi đầu tư chưa hấp dẫn và được đánh giá là khá rủi ro khi thời gian thực hiện dự án quá dài. 

Đầu tư hạ tầng giao thông: Vốn khủng, rủi ro cao ảnh 1Cần có cơ chế để thu hút đầu tư công vào hạ tầng giao thông

Một năm ngốn 70.000 tỷ đồng

Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn về huy động vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng. Chính phủ đã dành những nguồn lực nhất định song mới đáp ứng được những yêu cầu cơ bản, thiết yếu . Tính toán của Bộ GTVT cho thấy, nhu cầu đầu tư công giai đoạn 2015-2020 trong lĩnh vực GTVT cần những khoản tiền “khổng lồ”. Cụ thể, năm 2015, nhu cầu vốn đầu tư công cần khoảng 70.000 tỷ đồng, trong đó lĩnh vực đường bộ chiếm hơn 65.000 tỷ đồng, còn lại là hàng không, đường thủy… Tỷ trọng đầu tư cho đường bộ sẽ giảm dần sau năm 2015, tuy vậy số vốn cần đầu tư cho các lĩnh vực khác như hàng không, đường sắt lại tăng mạnh. 

Thời gian qua, các ngân hàng thương mại đã tham gia rót vốn đầu tư hạ tầng giao thông khá lớn. Chỉ tính riêng 63 dự án BOT, BT do Bộ GTVT quản lý, các ngân hàng thương mại đã tham gia tài trợ 135.000 tỷ đồng, chiếm đến 89% tổng mức đầu tư. Dự kiến, năm 2015 ngành GTVT sẽ huy động khoảng 45.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách rót vào giao thông. Giai đoạn từ năm 2016-2020, dự kiến sẽ cần tới 235.000 tỷ đồng. Hợp tác công tư, tìm nguồn vốn xã hội hóa được xem là giải pháp tốt nhất cho bài toán nguồn vốn đầu tư hạ tầng. Tuy vậy, xét  trên phạm vi quốc tế, lĩnh vực đầu tư theo hình thức công - tư (PPP) cũng đã ghi nhận thất bại tại nhiều dự án ở các nước như Ba Lan, Bolivia, Thái Lan…

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào về thành công - thất bại được thực hiện và công khai với các dự án PPP. Các dự án BOT giao thông chủ yếu trông chờ vào nguồn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại trong nước, chiếm khoảng 85%. Vòng đời dự án BOT giao thông khoảng 20 năm, vì vậy việc sử dụng vốn vay thương mại dễ phát sinh rủi ro cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vay vốn.

Vốn nào cũng là tiền đóng góp của dân

Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước đánh giá, năng lực tài  chính của nhiều nhà đầu tư còn yếu kém, không đủ vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án theo đúng cam kết. Nhiều dự án bị tăng tổng mức đầu tư ảnh hưởng đến hiệu quả, khả năng trả nợ ngân hàng. Hơn nữa, không ít công trình vừa mới khánh thành đã có vấn đề về chất lượng, phải sửa chữa, doanh thu thực tế không đạt như dự kiến. 

Hơn nữa, vốn rót vào đầu tư hạ tầng giao thông được đánh giá là khá rủi ro bởi thời gian thực hiện dự án quá dài. Ông Phạm Quang Dũng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Tasco cho hay, Bộ GTVT mong muốn dự án có giá trị đầu tư lớn, thời gian thu phí trên dưới 20 năm, trong khi ngân hàng chỉ chấp thuận các dự án có thời gian thu phí dưới 15 năm. Vì vậy, cần có chính sách để giải quyết vấn đề này, hoặc cho tăng phí để rút ngắn thời gian thu hoặc ngân hàng nới thời gian cho vay. Còn ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 4 cho rằng, với dự án BOT, Bộ GTVT nên áp dụng thưởng phạt hợp đồng để động viên, khuyến khích nhà đầu tư. Nếu dự án xong sớm thì thưởng, còn muộn thì phạt. 

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông dù từ ngân sách Nhà nước hay đầu tư công thì cũng là đóng góp của nhân dân. Bộ GTVT sẽ kiểm soát chặt các nguồn vốn, đảm bảo việc sử dụng đồng vốn hiệu quả, tránh lãng phí. Ngoài ra, Bộ cũng sẽ xem xét các đề xuất của nhà đầu tư để huy động được nguồn vốn khổng lồ đầu tư vào hạ tầng giao thông trong thời gian tới. Tuy vậy, người đứng đầu Bộ GTVT cũng cho rằng, dù là chính sách gì cũng phải hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư  và người dân sử dụng, nộp phí.