Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với điện thoại di động, mỹ phẩm là tận thu

ANTD.VN - Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, điện thoại di động, nước hoa, mỹ phẩm đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt thì chẳng khác nào tận thu.

Mặt hàng thiết yếu, không thể đánh thuế TTĐB

Như đã thông tin, mới đây trong văn bản góp ý cho “Đề án mở rộng cơ sở thuế và chống xói mòn thuế” gửi Bộ Tài chính, UBND TP.HCM đã đề xuất mở rộng một số đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). Các đối tượng bị đề xuất đánh thuế gồm: điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ.

Lý do đánh thuế được UBND TP.HCM đưa ra là nhằm mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên.

Đề xuất trên đang gặp phản ứng mạnh từ dư luận, nhiều chuyên gia cho rằng đây là đề xuất bất hợp lý, đi ngược xu hướng, thậm chí là mang tính chất tận thu.

TS Nguyễn Thanh Bình, Học viện Chính sách và Phát triển cho rằng bản chất thuế TTĐB là đánh vào hàng hóa xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng, những hàng tiêu tốn ngoại tệ nhập khẩu hoặc ảnh hưởng xấu tới môi trường. Ví dụ như ô tô, vừa là mặt hàng xa xỉ, vừa ảnh hưởng tới môi trường; hay rượu bia, thuốc lá tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng… thì cần đánh thuế TTĐB.

Theo TS Nguyễn Thanh Bình, điện thoại di động là mặt hàng tiêu dùng bình thường, có ích cho cộng đồng nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt được.

“Chỉ khi người ta chứng minh đây là hàng xa xỉ, đắt đỏ, nhà nước không khuyến khích sử dụng điện thoại thì mới có cơ sở áp thuế. Trong khi ấy, với điện thoại di động, Nhà nước cung cấp tần số, sóng cho các thuê bao sử dụng mà lại đánh thuế TTĐB là không hợp lý” – TS Nguyễn Thanh Bình nói và cho biết ông chưa từng thấy nước nào trên thế giới đánh thuế TTĐB vào điện thoại di động.

Điện thoại di động, mỹ phẩm không được coi là mặt hàng xa xỉ

Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, cho rằng thuế TTĐB là để đánh vào loại hàng hoá, dịch vụ xa xỉ hoặc độc hại mà Nhà nước không khuyến khích. Nếu không phải vì lý do đó thì đã có thuế giá trị gia tăng.

“30 năm trước, điện thoại di động còn là một mặt hàng xa xỉ mà còn không bị đánh thuế. Nay nó đã trở thành một vật dụng thiết yếu, thông dụng mà đánh thuế TTĐB thì có thể đánh thuế bất cứ hàng hoá, dịch vụ nào” – ông nói.

Có tính chất tận thu

Ngoài ra, đối với các mặt hàng nước hoa, mỹ phẩm, các chuyên gia cũng cho rằng đã trở thành mặt hàng thiết yếu của phụ nữ, không chỉ người giàu mà ngay cả người thu nhập thấp cũng xử dụng, không nên đánh thuế TTĐB.

Với dịch vụ thẩm mỹ, tuy là dịch vụ xa xỉ nhưng cũng có những dịch vụ thẩm mỹ để chữa dị tật hoặc phục hồi sau tổn thương do tai nạn. Đó là nhu cầu chính đáng của con người, vì vậy nếu có đánh thuế thì phải có sự phân biệt, không thể đánh đồng.

Theo các chuyên gia, UBND TP.HCM đưa ra lý do đánh thuế nhằm mở rộng điều tiết thuế vào thu nhập của một bộ phận dân cư có thu nhập từ mức khá trở lên là không phù hợp.

“Điều này là sai. Điều tiết thu nhập thì ta phải dùng thuế thu nhập cá nhân. Theo tôi, động cơ ở đây là tăng ngân sách, tận thu”- TS Nguyễn Thanh Bình nói.

Có cùng quan điểm đề xuất trên có tính chất tận thu, luật sư Trương Thanh Đức cho rằng chính quyền muốn thu được nhiều thuế thì phải nuôi dưỡng nguồn thu bền vững, tăng tiêu thụ để tăng nguồn thu, chứ không phải là tăng thuế, bòn mót từng đồng thuế trên mọi thứ sản phẩm thiết yếu và đại trà. “Tư duy tận thu này không có triết lý và chỉ có hại cho sự phát triển” – vị luật sư cho hay.