Đằng sau câu chuyện ngân hàng đua nhau mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

ANTD.VN - Khi Ngân hàng Nhà nước phải lên tiếng cảnh báo các ngân hàng thương mại trong việc “ôm” trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản thì đây không còn là câu chuyện đầu tư đơn thuần nữa...

Đằng sau câu chuyện ngân hàng đua nhau mua trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ảnh 1Việc ngân hàng mua lượng lớn trái phiếu bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro

Lãi cao nhưng vẫn ế

Theo thống kê, đến cuối tháng 8-2019, có tổng cộng 44/108 doanh nghiệp bất động sản chào bán trái phiếu với giá trị đạt hơn 47,8 nghìn tỷ đồng. Bất động sản cũng là nhóm doanh nghiệp có lãi suất trái phiếu cao nhất, trung bình lên tới 10,01%/năm và chủ yếu là thả nổi. Trong đó, chỉ có 4 doanh nghiệp huy động được trái phiếu có lãi suất từ 8% trở xuống. Khoảng lãi suất từ 10% đến dưới 11%/năm chiếm tỷ trọng lớn nhất (15.277 tỷ đồng, tương đương 41,5%). Tiếp theo là khoảng từ 11% đến dưới 12%/năm (7.874 tỷ đồng, chiếm 21.5%). 

Có 8 lô phát hành của 5 doanh nghiệp với tổng giá trị phát hành là 2.079 tỷ đồng trái phiếu có lãi suất từ 12%/năm trở lên (tương đương tỷ trọng 5,7%). Trong đó, cao nhất là 200 tỷ đồng phát hành hồi tháng 4-2019 của Công ty CP phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) với mức lãi suất lên đến 14,45%/năm. Doanh nghiệp này có 6 đợt phát hành thì 4 đợt đều ở nhóm lãi suất cao nhất thị trường, 2 lô còn lại có lãi suất thấp hơn đều được các ngân hàng ôm trọn.

Cụ thể, MBBank mua trọn lô 550 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm, phát hành 3-6-2019 có lãi suất thả nổi, năm đầu 10,5%/năm, các năm sau bằng lãi suất tham chiếu cộng 3,5%/năm; OCB mua trọn lô 225 tỷ đồng kỳ hạn 1 năm, phát hành ngày 1-8-2019 có lãi suất 9,5%/năm. Ngoài ra, Công ty CP đầu tư IDJ Việt Nam phát hành 10 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất 13%/năm; Công ty CP địa ốc Sài Gòn Thương Tín phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu lãi suất 12%/năm; Công ty CP đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền phát hành 450 tỷ đồng, lãi suất 12%/năm; Văn Phú Invest phát hành 800 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 12%/năm.

Lý giải về việc trái phiếu doanh nghiệp bất động sản ở mức cao ngất ngưởng, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh yêu cầu vốn lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng phải áp hệ số rủi ro 50% với cho vay đảm bảo bằng nhà ở, quyền sử dụng đất; 200% với cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản (theo Thông tư 36) và hệ số này còn tăng lên cao hơn nữa trong dự thảo thông tư thay thế. “Rủi ro cao hơn nên lãi suất trái phiếu bất động sản thuộc nhóm cao nhất cũng là điều dễ hiểu” - báo cáo của SSI nhận định.

Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính ngân hàng, Tiến sỹ Cấn Văn Lực cũng cho rằng, lãi suất thấp hay cao là tùy rủi ro, nếu rủi ro cao thì lãi suất cao, rủi ro thấp thì lãi suất thấp. Điều đáng nói, tuy là nhóm ngành phát hành trái phiếu với khối lượng đứng thứ hai thị trường (sau nhóm ngân hàng), lãi suất cao nhất thị trường, nhưng trái phiếu bất động sản lại ế ẩm nhất. Cụ thể, qua 139 đợt chào bán với 47,8 nghìn tỷ trái phiếu nhưng chỉ có 36,1 nghìn tỷ được phát hành, tương đương với tỷ lệ 77,3%, còn lại “ế” hơn 10,8 nghìn tỷ đồng. Trong đó, Công ty An Quý Hưng (5.300 tỷ đồng chia làm 2 đợt) do TCBS tư vấn phát hành và Sunrise Real Estate - một thành viên của Bitexco (820 tỷ đồng) do VPBS tư vấn phát hành - là 2 doanh nghiệp huy động trái phiếu bất thành vì không có trái phiếu nào được mua. 

Mối lo khi ngân hàng là “trái chủ”

Điều đáng nói là hiện nay, ngân hàng lại đang là “trái chủ” lớn của các công ty bất động sản. Theo thống kê của SSI, trong số hơn 36,8 nghìn tỷ đồng trái phiếu bất động sản được phát hành 8 tháng đầu năm 2019, riêng nhóm ngân hàng thương mại đã gom mua hơn 7,4 nghìn tỷ (chiếm 20,1%). Chưa kể, có hơn 3,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (8,8%) cũng được mua bởi các công ty chứng khoán (trong đó có nhiều công ty chứng khoán là công ty con của ngân hàng).

MBBank, Techcombank và PVCombank là 3 ngân hàng có giá trị mua lớn nhất, lần lượt đạt 1.710 tỷ đồng; 1.500 tỷ đồng và 1.300 tỷ đồng. Trong đó, MBBank đang nắm giữ 550 tỷ đồng trái phiếu của Công ty Địa ốc Phát Đạt; 500 tỷ đồng từ Công ty CP kinh doanh và đầu tư Bình Dương; 380 tỷ từ Công ty Bất động sản Vạn Phát; 180 tỷ từ PQC Conventio. Techcombank cũng đã mua 1.500 tỷ trái phiếu của Công ty CP dịch vụ NewCo kỳ hạn 1,5 năm; PVCombank mua 1.300 tỷ trái phiếu của Novaland với kỳ hạn 4 năm… Ở nhóm công ty chứng khoán, Công ty Chứng khoán VNSC mua nhiều trái phiếu bất động sản nhất, với giá trị 1.300 tỷ đồng. Tiếp sau đó là Công ty Chứng khoán MB với 1.000 tỷ đồng, Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) mua 700 tỷ đồng…

Ngoài bất động sản, các ngân hàng cũng mua 3.750 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác. Căn cứ công bố thông tin của các doanh nghiệp, 9 ngân hàng đã mua tổng cộng 11.160 tỷ đồng, chiếm 9,6% lượng trái phiếu phát hành 8 tháng đầu năm. Trong đó, nhiều nhất là  MBBank mua 3.770 tỷ đồng, PVCombank mua 1.900 tỷ, Techcombank mua 1.510 tỷ, MSB mua 1.150 tỷ đồng… Ngân hàng nắm giữ nhiều trái phiếu doanh nghiệp nhất vẫn là Techcombank với số dư là hơn 60,6 nghìn tỷ đồng tại ngày 30-6-2019. Theo số liệu trên bảng cân đối kế toán ngày 30-6 của 18 ngân hàng thương mại niêm yết, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp mà nhóm ngân hàng này đang nắm giữ đạt gần 230,5 nghìn tỷ đồng, tăng 65 nghìn tỷ so với đầu năm.

Nếu nhìn vào mặt kỹ thuật thì với lãi suất cao ngất ngưởng, trái phiếu bất động sản sẽ là một phép tính đầu tư không tồi. Còn đối với các doanh nghiệp, mức lãi suất lên tới trên 12%, thậm chí 14% vẫn có thể chấp nhận được. Bởi nếu vay ngân hàng với cùng kỳ hạn, lãi suất và các chi phí liên quan cũng ở mức tương tự, chưa kể vay vốn ngân hàng thường rất khó khăn, phải thẩm định toàn bộ hồ sơ dự án. Trong khi, phát hành trái phiếu, doanh nghiệp sẽ không chịu sự giám sát về giải ngân, sử dụng vốn…

Theo các chuyên gia SSI, thực tế, so với cho vay, việc mua trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn vì có thể bán lại một phần trái phiếu này cho các tổ chức, quỹ đầu tư và khách hàng cá nhân khi cần điều chỉnh các khoản mục tài sản trên bảng cân đối kế toán. Tuy nhiên, một số ngân hàng có thể sử dụng công cụ trái phiếu doanh nghiệp, thông qua các giao dịch tài chính phức tạp để cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành hoặc các mục đích khác.

Cùng quan điểm, một chuyên gia kinh tế cũng nhìn nhận, không loại trừ khả năng một số thương vụ mua trái phiếu bất động sản từ phía ngân hàng với mục đích đảo nợ, hoặc một số tổ chức khác có thể mua trái phiếu bất động sản để vay cầm cố thế chấp lại ngân hàng. Đây là một cách gián tiếp đẩy vốn ngân hàng vào lĩnh vực bất động sản - một lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro - mà Ngân hàng Nhà nước nhiều lần có văn bản yêu cầu các ngân hàng hạn chế cho vay.

Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cũng cho rằng, khái niệm đầu tư trái phiếu hiện nay vẫn khá nhập nhằng và nếu ngân hàng mua trái phiếu của doanh nghiệp không khác gì hoạt động cho vay chứ không phải đúng nghĩa là đầu tư. Trong đó, thay vì ngân hàng ký với doanh nghiệp một hợp đồng tín dụng thì lại mua trái phiếu của chính doanh nghiệp đó và nhận lãi suất định kỳ. Trên thực tế, nhìn vào cơ cấu đầu tư của một số ngân hàng có thể thấy, nhiều trong số những doanh nghiệp phát hành trái phiếu mà ngân hàng nắm giữ hiện là “con nợ” của chính ngân hàng này. Việc phát hành trái phiếu để “đảo nợ” ngân hàng giúp doanh nghiệp kéo dài thời gian trả nợ, ngân hàng cũng tránh bị tăng thêm nợ xấu. Thế nhưng, đây chỉ là giải pháp kỹ thuật, nó khiến chất lượng khoản nợ được ghi nhận trên báo cáo tài chính không được phân loại chính xác, tiềm ẩn rủi ro cả phía doanh nghiệp và ngân hàng.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã lên tiếng cảnh báo các tổ chức tín dụng về rủi ro trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. Trong đó, NHNN cho biết hiện số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản các ngân hàng thương mại và tiếp tục tăng nhanh. Cùng với đó, số dư đầu tư trái phiếu vào lĩnh vực xây dựng, bất động sản lớn khi thị trường bất động sản chưa phục hồi vững chắc, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn. Một số ngân hàng đầu tư trái phiếu với mục đích khác ở mức cao và biến động lớn, khó kiểm soát. Đặc biệt, một số ngân hàng tiếp tục đầu tư trái phiếu với mục đích cơ cấu lại nợ của tổ chức phát hành trong năm 2019.