Dẫn đầu về lợi nhuận nhưng khối doanh nghiệp FDI đóng góp rất ít cho ngân sách

ANTD.VN - Năm 2017, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 43,8% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), tăng 17,6% so với năm 2016, tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010-2017. 

 

Doanh nghiệp FDI vẫn đóng góp khiêm tốn cho ngân sách Nhà nước

Báo cáo về Bộ chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương năm 2017 và giai đoạn 2010-2017 cho thấy, khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có lợi nhuận lớn nhất trong giai đoạn vừa qua. 

Theo báo cáo này, tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực doanh nghiệp năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực doanh nghiệp tăng 13,7% (thấp hơn mức tăng 15,4% của vốn và 15,6% của doanh thu).

Trong đó, khu vực doanh nghiệp FDI mặc dù có số lượng doanh nghiệp, lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao trong toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhưng tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Năm 2017, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 43,8% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), tăng 17,6% so với năm 2016.

Trong giai đoạn 2010-2017, lợi nhuận khu vực này cũng tăng trưởng khá đều, bình quân 17,3%/năm.

Năm 2017, khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng (chiếm 22,9% lợi nhuận của toàn bộ khu vực doanh nghiệp), tăng 1,8% so với năm 2016, tăng bình quân 8,3%/năm giai đoạn 2010-2017.

Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số doanh nghiệp, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khoản lợi nhuận khiêm tốn.  

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra, mặc dù đạt lợi nhuận "khủng" song khu vực doanh nghiệp FDI lại đóng góp rất khiêm tốn cho ngân sách Nhà nước. Cụ thể, khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp FDI năm 2017 đóng góp vào ngân sách Nhà nước khá tương đồng.

Khu vực doanh nghiệp Nhà nước năm 2017 đóng góp 280,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 29,4% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 1,3% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2010-2017 mỗi năm khu vực này đóng góp tăng 9,1%.

Thấp nhất là khu vực doanh nghiệp FDI, năm 2017 đóng góp được 265,97 nghìn tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước, chiếm 27,9% đóng góp của toàn bộ khu vực doanh nghiệp, tăng 6% so với năm 2016.

Bình quân giai đoạn 2010-2017, mỗi năm khu vực này đóng góp tăng 15,3%.

Khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước đóng góp nhiều nhất cho ngân sách với 407,6 nghìn tỷ đồng. 

Bộ KH-ĐT đánh giá: "Năm 2017 và giai đoạn 2010-2017, khu vực doanh nghiệp FDI phát triển nhanh về quy mô, tốc độ và hiệu quả tăng trưởng".

Mới đây, tại hội nghị 30 năm FDI vào Việt Nam, lãnh đạo Chính phủ đánh giá cao những đóng góp của doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ cũng cho rằng, đầu tư nước ngoài còn nhiều mặt hạn chế. Đó là tình trạng "chuyển giá", chậm chuyển giao công nghệ... cho các doanh nghiệp trong nước.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), kinh tế Việt Nam phụ thuộc ngày càng nhiều vào khu vực FDI.