“Đại gia” ngành điện tử đổ dồn về Việt Nam tận dụng ưu đãi

ANTĐ - Ngày 17-7-2014, lãnh đạo Tập đoàn Microsoft đã có thông báo chuyển toàn bộ hoặc một phần các nhà máy sản xuất tại Hungary, Trung Quốc và Mexico sang Việt Nam. Nhận định của Tiến sĩ Võ Trí Thành- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Việt Nam có thể trở thành cơ sở sản xuất lớn nhất thế giới về điện tử, điện thoại thông minh” nay đã là hiện thực.

Samsung là một trong những tập đoàn điện tử nước ngoài đầu tư thành công tại Việt Nam 
(Trong ảnh: Sản xuất điện thoại di động tại nhà máy Samsung ở Bắc Ninh)

Đủ mặt “anh tài”

Trong công văn của UBND tỉnh Bắc Ninh gửi Bộ KH-CN về chuyển giao dây chuyền công nghệ sản xuất thiết bị điện thoại di động của Tập đoàn Microsoft, UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngày 17-7-2014, lãnh đạo Tập đoàn Microsoft đã thông báo thay đổi chiến lược. Cụ thể, hãng này sẽ đóng cửa toàn bộ hoặc một phần các nhà máy sản xuất tại Komaron (Hungary); Bắc Kinh, Quảng Đông (Trung Quốc) và Reynosa (Mexico). Việc chuyển giao các dây chuyền sản xuất trong nội bộ Tập đoàn đã được bắt đầu từ tháng 5-2014 và sẽ tiếp tục được thực hiện đến cuối tháng 2-2015.

Theo UBND tỉnh Bắc Ninh, sự thay đổi chiến lược của Microsoft sẽ khiến nhà máy Nokia (từ 25-4-2014 thuộc về Microsoft) tại địa phương này giữ vai trò chủ lực trong việc sản xuất thiết bị điện thoại di động của Tập đoàn này. Khoảng 39 dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh sẽ có mặt tại Việt Nam. 

Trước đó, năm 2006, Tập đoàn Intel cũng đầu tư dự án 1 tỷ USD vào TP.HCM. Tiếp theo là các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất của Sony, Canon, LG Electronics… vào lĩnh vực điện tử. Đặc biệt, từ tháng 3-2013, tại Thái Nguyên, Tập đoàn Samsung đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao thứ 2 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 2 tỷ USD (nhà máy lớn nhất thế giới của Sam Sung). Với 2 nhà máy sản xuất điện thoại di động tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, Samsung Electronics là nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất điện tử tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 7 tỷ USD. Việt Nam giống như thỏi “nam châm” đang hút các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tử, điện thoại, linh kiện điện thoại. 

Nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư

Trên thực tế, Việt Nam luôn thực hiện chính sách ưu đãi về đất đai, thuế… cho các nhà đầu tư nước ngoài. Bù lại, các doanh nghiệp này cũng tạo ra hàng nghìn việc làm cho lao động các địa phương. Bên cạnh đó, những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện đạt hàng tỷ USD/năm, đứng đầu danh sách các nhóm hàng xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế. Chỉ tính riêng tháng 7-2014, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện đã đạt 1,6 tỷ USD. Các địa phương có đầu tư nước ngoài còn kỳ vọng vào việc được tiếp nhận dây chuyền, công nghệ sản xuất hiện đại. 

Trải “thảm đỏ” khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài là tốt, song các chuyên gia cũng cảnh báo việc các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam vì tận dụng các ưu đãi về thuế, đất đai, lao động giá rẻ mà không chuyển giao công nghệ. Bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Tư vấn trưởng đánh giá tiềm năng xuất khẩu quốc gia cho hay: “Đối với sản phẩm công nghệ như: điện thoại, điện tử… sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu ở khâu chế biến, lắp ráp. Xuất khẩu điện thoại, sản phẩm điện tử tăng trưởng nhanh chóng nhưng doanh nghiệp trong nước mới chỉ cung cấp bao xốp, vỏ nhựa”. Tiến sĩ Võ Trí Thành băn khoăn: “Vấn đề đặt ra là 3 tập đoàn điện tử lớn là Samsung, Intel và Canon có mức độ lan tỏa thế nào về công nghệ, kỹ thuật tại Việt Nam?”.

Mặt khác, nhiều phân tích cũng chỉ ra, mặc dù xuất khẩu nhiều nhưng chính các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng nhập khẩu nhiều nhất. Và phải chăng, ngoài các ưu đãi trên, họ còn muốn tận dụng thêm ưu đãi của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015? Khi đó sản phẩm của họ sẽ tỏa đi nhiều thị trường với rất nhiều lợi thế.