"Cuộc đua" ngân hàng tăng lãi suất: Doanh nghiệp lo ngay ngáy

ANTĐ - Thời điểm trước Tết Nguyên đán, thị trường đã chứng kiến nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất huy động, tuy nhiên “cuộc đua” tăng lãi suất huy động chưa dừng lại ở đó. Mới đây một số ngân hàng tiếp tục “châm ngòi” cho “cuộc đua” mới. Theo đó, lãi suất huy động được một số ngân hàng đẩy lên mức 8%/năm, thậm chí có ngân hàng huy động ở mức 8,2%/năm. Điều này khiến các doanh nghiệp không khỏi lo ngại lãi suất cho vay cũng “té nước theo mưa”. 

"Cuộc đua" ngân hàng tăng lãi suất: Doanh nghiệp lo ngay ngáy ảnh 1Nhiều nhận định chỉ ra rằng, áp lực đối với việc tăng lãi suất trong năm 2016 là không nhỏ

Hàng loạt ngân hàng điều chỉnh

Cuối tháng 2, chị Trần Thanh Phương (quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã tới chi nhánh tại một ngân hàng thương mại để đáo hạn khoản tiết kiệm 200 triệu đồng kỳ hạn 9 tháng. Nhân viên ngân hàng cho biết, lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng hiện đã tăng lên mức 7,2%/năm và khuyên chị nên tiếp tục gửi với kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao hơn.

Chị Phương chia sẻ: “Thấy lãi suất tăng và chưa có nhu cầu sử dụng số tiền trên nên sau khi đáo hạn tôi tiếp tục gửi theo kỳ hạn 12 tháng. Tuy nhiên, theo thông tin mà tôi tìm hiểu thì chỉ mấy ngày sau lãi suất huy động tại một số ngân hàng khác đã vượt xa mức 7,2%/năm của ngân hàng vừa gửi tiền”. 

Bắt đầu từ ngày 24-2, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) thông báo đẩy mạnh chương trình khuyến mãi huy động vốn với lãi suất cách biệt. Theo đó, khách hàng tham gia chương trình khuyến mãi “Gửi dài lâu, thêm tài lộc” dành riêng cho khách hàng gửi tiền VND từ 15 tháng trở lên, với lãi suất từ 7,2%/năm (15 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ) đến 8,0%/năm (36 tháng, gửi từ 10 tỷ  đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ).

Trong đó, tại kỳ hạn 15 tháng và 18 tháng, khi khách hàng gửi với số tiền dưới 1 tỷ đồng, lĩnh lãi cuối kỳ sẽ được hưởng mức lãi suất  7,2%/năm. Với số tiền từ 1 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng lãi suất được áp dụng ở mức 7,4%/năm và trên 10 tỷ đồng là 7,5%/năm. Để nhận được mức lãi suất 8%/năm, khách hàng phải gửi số tiền trên 10 tỷ đồng vào kỳ hạn 36 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. 

Cũng ngay sau đó, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng áp dụng mức lãi suất mới cao hơn, đặc biệt ở các kỳ hạn dài. Cụ thể, kỳ hạn 13 và 21 tháng là 7,7%/năm, kỳ hạn 24 tháng là 7,8%/năm và kỳ hạn 36 tháng lên tới 8%/năm. Đặc biệt, theo chính sách ưu đãi cho sản phẩm gửi tiết kiệm trực tuyến tại OCB, khách gửi tiền còn có thể nhận được mức cao nhất tới 8,1%/năm. 

Góp mặt trong số các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đã điều chỉnh tăng lãi suất lên 8%/năm dành cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất cao nhất này, khách gửi phải thỏa mãn các điều kiện ngân hàng đưa ra. 

Tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), lãi suất huy động cũng được điều chỉnh tăng. Trong đó, BIDV tăng lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 13 đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13-18 tháng được tăng thêm 0,4% lên 6,5%/năm, lãi suất kỳ hạn 24-36 tháng tăng thêm 0,2% lên 6,5%/năm. Còn Vietcombank chủ yếu tăng các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng thêm từ 0,2-0,5%, theo đó lãi suất huy động tiền gửi kỳ hạn 1, 2, 3 và 6 tháng lần lượt là 4,5%, 4,6%, 4,8%, và 5,2%/năm.

Mặc dù niêm yết công khai nhưng để được hưởng mức lãi suất cao hơn so với mặt bằng chung thì khách hàng phải đáp ứng một số điều kiện tương đối cao từ phía ngân hàng. Một số khách hàng gửi tiền cho biết, vẫn có các ngân hàng thỏa thuận dành cho khách hàng thân thiết gửi tiền ở kỳ hạn dài được hưởng mức lãi suất cao dù không đầy đủ điều kiện. Bên cạnh đó, nếu cộng thêm các chương trình ưu đãi như rút thăm trúng 100% tiền mặt, cộng lãi suất thưởng khi gửi kèm USD… thì mức lãi suất huy động cao nhất trên thị trường hiện nay đã lên mức 8,1% - 8,2%/năm. 

Lãi suất cho vay có “té nước theo mưa”?

Nhìn nhận về việc các ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian qua, TS Cấn Văn Lực - Chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng, sau Tết Nguyên đán, người dân có nhiều tiền nhàn rỗi và đây chính là thời điểm để ngân hàng tăng huy động nhằm chuẩn bị nguồn vốn phục vụ cho tăng trưởng tín dụng cả năm. 

Phân tích thêm về nguyên nhân của việc nhiều ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động, Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đánh giá, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định tăng mạnh lãi suất ở các kỳ hạn dài của các ngân hàng là nhằm củng cố nguồn vốn trung dài hạn. Nhất là trong bối cảnh sửa đổi Thông tư 36, dự kiến tỷ lệ vốn cho vay trung và dài hạn trên tổng vốn ngắn hạn giảm từ 60% về 40%. Các chuyên gia của BVSC cho rằng, các mức lãi suất cao chỉ được ngân hàng áp dụng cho kỳ hạn dài và đối tượng khách VIP, với số tiền gửi rất lớn. Do đó sẽ không ảnh hưởng đến đa số người gửi tiền hiện nay. 

Nhìn lại có thể thấy, sau hơn 2 năm duy trì, lãi suất huy động đã tái lập mức 8%/năm. Thời điểm cuối năm 2013, lãi suất huy động kỳ dài hạn từ 12 tháng trở lên ở mức 8-9%/năm và lãi suất cho vay phổ biến trong khoảng 8-11,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 11,5-13%/năm đối với trung dài hạn. Việc lãi suất đang có xu hướng tăng trở lại, khiến không ít doanh nghiệp lo lắng. 

Là một doanh nghiệp chuyên cung cấp thủy hải sản tươi sống cho các nhà hàng, khách sạn, Công ty TNHH Thương mại ATT (tỉnh Vĩnh Phúc) đang sử dụng 70% vốn vay từ phía ngân hàng. Bà Dương Thị Kim Anh - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại ATT cho biết: “Hiện doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng với mức lãi suất ngắn hạn là 10,5%/năm, trong bối cảnh hiện nay thì mức lãi suất này vẫn cao so với sức của doanh nghiệp, sau khi thỏa thuận và đàm phán, ngân hàng có điều chỉnh giảm lãi suất xuống 10%/năm. Với việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động vừa qua, tôi cũng rất lo lãi suất cho vay sẽ tăng trở lại”. 

Trước những lo ngại lãi suất huy động tăng kéo theo lãi suất cho vay cũng “té nước theo mưa”, các chuyên gia cho rằng cần bình tĩnh đánh giá xem việc tăng lãi suất này có diễn ra trên diện rộng và tạo ra một mặt bằng lãi suất huy động mới hay không. Nếu việc tăng lãi suất chỉ dừng lại ở một số ngân hàng thì chưa phải quá lo ngại về việc lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại. 

Mặc dù lãi suất cho vay chưa tăng ngay trở lại nhưng nhìn trong dài hạn cả năm 2016, nhiều nhận định chỉ ra rằng, áp lực đối với việc tăng lãi suất là không nhỏ. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 2-2016, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện phổ biến ở mức khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn, 9-11%/năm đối với trung, dài hạn.

Mức lãi suất trên đã giảm khoảng 0,2-0,5%/năm so với đầu năm 2015, trong đó lãi suất cho vay trung dài hạn giảm 0,3- 0,5%/năm, bằng 50% mặt bằng cuối năm 2011 và thấp hơn giai đoạn 2005- 2006 là giai đoạn kinh tế tăng trưởng ổn định, qua đó tiếp tục hỗ trợ tích cực cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên sang năm 2016, trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế có nhiều biến động theo hướng không thuận lợi, áp lực huy động vốn trái phiếu Chính phủ tiếp tục tăng cao và nhu cầu tín dụng trung dài hạn gia tăng, thì áp lực lên mặt bằng lãi suất là rất lớn. 

Ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) phân tích:

“Thứ nhất, với lạm phát được dự báo quanh mức 4-5% trong năm 2016 so với mức chỉ 0,6% của năm 2015, cho thấy kỳ vọng lạm phát năm nay cao hơn nhiều so với năm trước, qua đó gián tiếp tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất huy động.

Thứ hai, mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,7%, cao hơn mức tăng trưởng 6,68% của năm ngoái và cao hơn so với bình quân cả giai đoạn 2011 - 2015 (5,88%), phản ánh nhu cầu vốn tín dụng năm 2016 sẽ tiếp tục gia tăng.

Thứ ba, việc lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng mạnh từ mức 5,4%/năm lên gần 7%/năm trong năm 2015, cùng với đó, dự kiến nhu cầu huy động vốn từ trái phiếu Chính phủ trong năm 2016 còn cao hơn năm 2015 sẽ tạo áp lực rất lớn lên mặt bằng lãi suất trung và dài hạn”.