“Cuộc đua” lãi suất tạm ngưng

(ANTĐ) - Cuộc chạy đua lãi suất nóng bỏng trên thị trường tiền tệ những ngày vừa qua đã khiến cho cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  phải có Công điện khẩn để ngăn chặn lại.

“Cuộc đua” lãi suất tạm ngưng

(ANTĐ) - Cuộc chạy đua lãi suất nóng bỏng trên thị trường tiền tệ những ngày vừa qua đã khiến cho cơ quan quản lý là Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  phải có Công điện khẩn để ngăn chặn lại.

Lãi suất huy động trần: 12%

Theo đó, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu đã yêu cầu các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất huy động không để vượt quá 12%/năm. Đồng thời, các ngân hàng thương mại nhà nước tích cực tham gia nghiệp vụ thị trường mở và các kênh tái cấp vốn khác để đảm bảo khả năng thanh toán, hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất tối đa bằng lãi suất nghiệp vụ thị trường mở tại phiên giao dịch gần nhất cộng 1%/năm.

Tuy nhiên, trong cùng thời điểm văn bản hành chính này chính thức “đến tay”, một số ngân hàng thương mại đã kịp lập kỷ lục mới cho thị trường tiền tệ với mức lãi suất “cao ngất”, như: Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) với mức 14,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng tại khu vực miền Nam, vượt “đỉnh” vừa mới đó của ngân hàng TMCP Sài Gòn là 13,8%/năm.

Đặc biệt là Ngân hàng TMCP Đông Nam á (SeABank) với mức lãi suất “kỷ lục”: 14,4%/năm. Và giới chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, nếu Công điện của NHNN chưa được ban hành, chắc rằng con số 14,4% sẽ còn bị “qua mặt”. 

Mặc dù khá bất ngờ trước chỉ đạo này của NHNN nhưng trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ, lãnh đạo một ngân hàng TMCP đã bày tỏ, mặc dù không quá “khát” vốn VND nhưng đơn vị của ông không thể “đứng ngoài” cuộc chạy đua tăng lãi suất vừa qua bởi muốn giữ chân những khách hàng lớn, khách hàng thân thiết.

Tuy nhiên, may mắn là ngân hàng chưa tham gia “quá đà” vào cuộc đua này và đã tính toán mức lãi suất đủ đảm bảo “đầu ra” trên cơ sở chi phí, lợi nhuận hợp lý của doanh nghiệp.

Ngày 27-2: Thị trường lãi suất “hạ cánh”?

Nhưng không phải ngân hàng nào cũng đủ “tỉnh táo” để đứng “bên lề” như thế. Mặc dù một số ngân hàng vừa công bố những con số huy động đáng kể sau vài ngày tăng lãi suất nhưng cũng không ít trong số đó đang “sốt vó” khi mặt bằng lãi suất  huy động đang phải dần “hạ cánh”.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc lãi suất cho vay cũng không thể “chót vót” như trước đó, nhất là trong bối cảnh thị trường ngân hàng có sự cạnh tranh khá khốc liệt hiện nay. Và đương nhiên, khả năng sinh lời của những khoản vốn đã “trót” huy động ở mức lãi suất cao sẽ giảm đáng kể, thậm chí có thể phải “bù lỗ”. 

Công điện của NHNN đã tạm thời “chốt” mức kỷ lục mới về lãi suất nhưng chưa đưa ra thời hạn phải điều chỉnh về mức 12% đối với những ngân hàng đã “ra giá” cao hơn trước đó.

Bởi vậy, theo ghi nhận của phóng viên Báo ANTĐ, hôm qua (27-2), những ngân hàng có lãi suất cao vẫn hút khách hàng đến gửi tiền. Và nhiều trong số những ngân hàng này đều cam kết, khách hàng đã ký kết hợp đồng, gửi tiền vẫn được hưởng mức lãi suất cao cho đến khi có công bố chính thức của ngân hàng về lãi suất mới.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin chúng tôi nắm được, cùng ngày, các ngân hàng này cũng đã “ngồi lại” với nhau để “dàn xếp” việc lùi lãi suất. Và có thể, ngày hôm nay (28-2) sẽ là thời hạn đồng loạt giảm lãi suất theo chỉ đạo của NHNN.

Sức nóng của lãi suất có khả năng sẽ sớm được “giảm nhiệt”. Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, thêm một lần nữa, NHNN đã “dội” mệnh lệnh hành chính vào thị trường vốn rất nhạy cảm này. Trước đó là biện pháp thắt chặt tiền tệ đã được NHNN thực hiện nhưng được nhận định là quá liều và có phần “nặng” về biện pháp hành chính hơn là biện pháp kinh tế.

Và rõ ràng, chính sách này đã khiến cho thị trường ngân hàng vừa phải trải qua một “cơn sóng”. Nên nếu các chính sách tiền tệ không có một tầm nhìn xa và không được thực hiện một cách linh hoạt, kịp thời, thị trường tài chính, tiền tệ sẽ có nguy cơ phải đối mặt với “sóng”.

Thảo Nguyên