Cùng gánh vác trọng trách kiềm chế lạm phát

(ANTĐ) - Ngày 14-4, tại Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hơn 100 hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng bàn biện pháp kiềm chế lạm phát. Một tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát đã thể hiện mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả đều khẳng định, sự điều tiết của Chính phủ là vô cùng quan trọng và cần thiết trong bối cảnh này.

Cùng gánh vác trọng trách kiềm chế lạm phát

(ANTĐ) - Ngày 14-4, tại Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, hơn 100 hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước đã cùng bàn biện pháp kiềm chế lạm phát. Một tinh thần đồng lòng, quyết tâm cao thực hiện các nhóm giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát đã thể hiện mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp. Tất cả đều khẳng định, sự điều tiết của Chính phủ là vô cùng quan trọng và cần thiết trong bối cảnh này.

Cả ngành thép sẽ vào cuộc để hạn chế đầu cơ

Chúng tôi vừa là một trong những nguyên nhân dẫn tới lạm phát, cũng vừa phải hứng chịu tác động lớn của lạm phát. Chúng tôi đã họp tất cả các doanh nghiệp thép để xem xét nghiêm túc và thống nhất, cần có trách nhiệm với Chính phủ trong điều kiện lạm phát hiện nay. Thép là ngành sản xuất cơ bản, nếu giá tăng, thì sẽ ảnh hưởng lớn tới cả nền kinh tế. Chúng tôi rất thấm thía khi Thủ tướng phải ra mệnh lệnh hành chính. Chính phủ cũng không muốn như thế. Doanh nghiệp hiểu rằng, khi Chính phủ không cho tăng giá than, điện, xăng thì chính ngành thép cũng được hưởng lợi ích từ việc đó.

Dù chi phí đầu vào ở mỗi một đơn vị có cao thấp khác nhau, nhưng tất cả đều chung ý chí là giữ giá, tiến tới giảm giá. Nhưng, khi doanh nghiệp Nhà nước bán giá thấp hơn thị trường từ 300.000 - 500.000đ/tấn thì người tiêu dùng lại không được hưởng, mà lợi ích đó rơi vào túi trung gian, thậm chí, còn dễ nảy sinh tiêu cực, xin mua qua quan hệ, rồi trả phí hoa hồng cao. Cả ngành thép sẽ vào cuộc tăng cường hệ thống phân phối của mình để hạn chế đầu cơ, công khai giá để người mua thép ký hợp đồng trực tiếp với nhà máy, cố gắng sản xuất phôi đáp ứng trên mức 50%, rồi nâng lên 70-80% nhu cầu.

Ông Phạm Chí Cường

(Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam)

Phải cương quyết cắt bỏ các dự án không hiệu quả

Chúng tôi đánh giá rất cao giải pháp của Chính phủ là phải rà soát lại các dự án công, cắt giảm các dự án không hiệu quả, giãn tiến độ các dự án chưa cần thiết để giảm đầu tư lãng phí. Đầu tư tràn lan, đẻ ra số tiền chi tiêu hàng ngàn tỷ đồng, nhưng chưa thu lại được đồng nào là một nguyên nhân của lạm phát.

Chúng ta đang loạn đô thị, quá nhiều đô thị mọc lên, rồi dang dở, không hoạt động, trong khi nông dân mất ruộng đất. Trong ngành xi măng, có những dự án kéo dài tiến độ gấp 2-3 lần, lẽ ra chỉ trong 2 năm là xong thì nay, phải kéo tới 5 năm, 7 năm mà còn chưa xong. Có dự án đã đổi chủ đầu tư 3 lần, cũng động thổ 3 lần mà chưa xong. Chúng tôi muốn việc này phải làm thật nghiêm túc, cắt bỏ những dự án không khả thi để dồn sức cho các dự án quan trọng còn lại. Giá cả vật liệu cao phi lý, nhân công thiếu như hiện nay, mà ta cứ đầu tư tràn lan, thì chẳng cái nào đến nơi đến chốn cả.

Ông Trần Văn Huynh

(Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam)

Cần phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên cho sản xuất

Giá nguyên vật liệu cho phân bón tăng không có điều kiện, không theo quy luật nào cả. Nếu nghĩ rằng, Chính phủ đã dùng biện pháp hành chính là giải quyết được lạm phát thì đó là điều rất khó. Nếu không có thực lực, không có hàng hóa thì làm sao chúng ta điều tiết được thị trường.

Theo tôi, phân bón cần phải được đẩy mạnh sản xuất trong nước hơn nữa, hạn chế nhập khẩu và tiêu ít đồng USD đi. Ngoài những nguyên nhân mà cả nước đã nói đến, Chính phủ vẫn cần tìm thêm những nguy cơ tiềm ẩn khác gây ra lạm phát, tiềm ẩn như lãi suất ngân hàng, phát huy nguồn tài nguyên thật hiệu quả để sản xuất trong nước lớn mạnh. Đặc biệt, Chính phủ cần kiên quyết hạn chế đầu tư bất động sản và đồng thời, điều tiết một số những mặt hàng mà Nhà nước có thế mạnh.

Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy

(Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam)

Các doanh nghiệp hãy tự khắc phục khó khăn trước

Tôi xin khẳng định, không chỉ mỗi Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang phải đối mặt với lạm phát. Không phải vì gia nhập WTO mà bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, trước sau gì lạm phát cũng vẫn xảy ra với các bạn. Với một nước đang phát triển, tác động của lạm phát sẽ nghiêm trọng hơn. Tôi thấy, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng các nhóm giải pháp công bố gần đây là rất đúng hướng. Nhưng, không phải hôm nay đưa ra giải pháp, sáng mai tỉnh dậy, ta đã thấy tình hình thay đổi ngay.

Tất cả các biện pháp đó cần có thời gian để phát huy hiệu lực. Tôi thấy, dường như, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước lại thiếu tính cạnh tranh. Hệ thống bán lẻ chưa được minh bạch. Từ người sản xuất tới tiêu dùng có quá nhiều trung gian khiến giá bị đẩy lên. Chính phủ sẽ phải có cách nào đó để người sản xuất và người mua gần nhau hơn, giảm sự đầu cơ đi. Một số ngành hàng, dịch vụ, cần cho họ một lãi suất tốt và một sự hỗ trợ cần thiết. Nhưng Chính phủ chỉ có thể can thiệp phần nào, các doanh nghiệp không nên phụ thuộc quá nhiều vào Chính phủ, cần chủ động, tự thân vận động để tự mình khắc phục khó khăn trước.

Ông Alain Cany

(Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu )

Phạm Huyền (Thực hiện)