Cử nhân thất nghiệp đánh thức tiềm năng dược liệu

ANTD.VN - Sự thành công của anh Hậu cho chúng ta, đặc biệt là giới trẻ hiện nay, một bài học đơn giản: Càng ở những nơi có điều kiện khó khăn thì càng có cơ hội khởi nghiệp. Không cần những điều quá xa vời, chỉ cần quyết tâm, dám nghĩ dám làm, không sợ thất bại là đủ để tìm được con đường đúng. 

Anh Phạm Văn Hậu và Hoàng Trọng Khương đạt giải trong Cuộc thi “Ý tưởng thanh niên khởi nghiệp” tỉnh Yên Bái

Học đại học để… về quê

Cứ đến huyện Văn Yên hỏi hợp tác xã của anh Hậu ai cũng biết. Mô hình Hợp tác xã sản xuất dược liệu Viễn Sơn tại thôn Bóng Bưởi, xã Xuân Ái, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái do anh Phạm Văn Hậu làm Giám đốc có 15 thành viên với quy mô ban đầu 360m2 vườn ươm. Sau khi khởi nghiệp thành công, đến nay hợp tác xã của anh Hậu tiếp tục đầu tư mở rộng vườn ươm lên 5.000m2, sản xuất từ 15 - 20 loại cây giống dược liệu.

Đồng thời anh còn liên kết với một số hộ dân trong tỉnh và tỉnh bạn như Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn La… trồng được trên 20ha cây dược liệu. Đến tháng 9-2019, hợp tác xã đã sản xuất đưa ra thị trường sản phẩm cao cà gai leo. Dự kiến trong năm nay, hợp tác xã sẽ bán ra thị trường trên 2 triệu cây giống dược liệu các loại, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận trên 400 triệu đồng…

Tốt nghiệp Cử nhân kinh tế của Đại học Kinh tế quốc dân năm 2012, từ năm 2013 đến 2016 chàng trai trẻ Phạm Văn Hậu không xin được việc làm mà phải đi bán hàng thuê khắp nơi. Nhưng với mong muốn làm giàu trên chính quê hương mình từ cây quế mọc dày đặc bên những con đường đồi núi, anh Hậu bắt đầu đầu tư sản xuất tinh dầu quế. Tuy nhiên, do phụ thuộc thương lái, giá cả không ổn định, chi phí đầu vào tăng khiến anh Hậu không ít lần chản nản vì thất bại. Quyết không đầu hàng, anh Hậu đã nhiều đêm thức trắng nghiên cứu, tìm hướng đi mới.

Anh nhận thấy hàng năm nhu cầu thị trường cần rất nhiều cây giống dược liệu, trong khi đó Yên Bái là tỉnh có điều kiện về thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với phát triển nhiều loại cây dược liệu quý và có nguồn nhân lực dồi dào. Tuy nhiên diện tích trồng cây dược liệu vẫn chưa nhiều. Nguyên nhân là do người dân chưa mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng và khả năng đầu tư còn hạn chế. Vậy là cùng với 2 người bạn gồm anh Hoàng Trọng Khương và Nguyễn Văn Khánh, cả 3 quyết tâm khởi nghiệp bằng việc sản xuất cây giống dược liệu, liên kết với bà con nông dân trong và ngoài tỉnh trồng và sản xuất các sản phẩm từ chính cây dược liệu của mình.

Năm 2017, khi bắt đầu sản xuất cây giống dược liệu, anh Hậu vấp phải muôn vàn khó khăn. Vừa thiếu vốn, vừa không có kinh nghiệm, cây giống bị bệnh chết nhiều khiến anh thiệt hại gần 200 triệu đồng. Nhưng rồi anh Hậu và các đồng sự lại bàn bạc, quyết tâm tự học hỏi kinh nghiệm và đi học các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây giống, thuê thêm đất, mở rộng vườn ươm từ 360m2 lên 1.000m2.

Vườn cây dược liệu tại hợp tác xã của anh Phạm Văn Hậu

Đánh thức tiềm năng dược liệu

Quyết tâm theo con đường đúng mà mình đã chọn, cả nhóm không nản mà tiếp tục vay vốn đầu tư làm vườn ươm, mua các loại hạt giống về sản xuất. Với kiến thức học tập và kinh nghiệm thực tế, kết quả năm 2018 tổ hợp tác của anh Hậu - Khương - Khánh đã sản xuất, bán ra thị trường được trên 1 triệu cây giống dược liệu các loại, doanh thu đạt 800 triệu đồng, trừ chi phí đi lãi được gần 200 triệu đồng.

Từ bước đầu thành công trong khởi nghiệp trồng cây dược liệu và sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, anh Hậu - Khương - Khánh đã quyết định tham gia cuộc thi “Ý tưởng, dự án thanh niên khởi nghiệp tỉnh Yên Bái lần thứ 2, năm 2019” do Tỉnh đoàn, Sở Khoa học và công nghệ, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức. Cuối cùng thì dự án khởi nghiệp “Hợp tác xã nhân giống - trồng trọt cây dược liệu và sản xuất sản phẩm dược liệu” của các anh đã giành giải Nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng đối với anh Hậu cùng đồng sự và cũng là động lực để Hợp tác xã sản xuất dược liệu Viễn Sơn tiếp tục có những thành công trong sản xuất, kinh doanh thời gian tới.

Nói về các dự định của mình, anh Hậu chia sẻ: “Cây dược liệu là loại cây trồng có giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với những cây lương thực, thực phẩm khác. Do đó, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển cây dược liệu là hướng đi sẽ giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu, tạo lập an sinh bền vững. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích liên kết và bao tiêu sản phẩm cây dược liệu, trong đó định hướng tập trung phát triển mở rộng diện tích trồng tại tỉnh Yên Bái để có nguồn dược liệu tại chỗ đảm bảo về chất lượng và số lượng. Trước mắt, chúng tôi sẽ xây dựng thêm cơ sở thu mua, bảo quản, sơ chế dược liệu và cho ra mắt các sản phẩm dược liệu như cao cà gai leo, trà cà gai leo, cao dây thìa canh... lấy nguyên liệu từ Hợp tác xã sản xuất dược liệu Viễn Sơn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường và của người tiêu dùng”…