CPI tăng thấp là yếu tố cho GDP tăng trưởng

ANTĐ - Kết quả 9 tháng qua với mức tăng trưởng GDP đạt 6,5% cùng các chỉ tiêu sản xuất tăng trưởng khác cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu khởi sắc. Chỉ số giá tiêu dùng - CPI tăng thấp, được xem là điều kiện cho sản xuất kinh doanh ổn định và cũng là yếu tố GDP tăng trưởng trong năm 2015. 
CPI tăng thấp là yếu tố cho GDP tăng trưởng ảnh 1

Người dân mua hàng tại siêu thị Big C Hà Nội  

Về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, CPI tăng thấp là do các nguyên nhân chủ yếu như giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 

19-8-2015 và ngày 3-9-2015; trong đó, tổng cộng giá xăng giảm 1.970đ/lít, giá dầu diezel giảm 550đ/lít, giá dầu hỏa giảm 830đ/lít.

Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17%, góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%. Giá xăng dầu thế giới giảm rất mạnh làm cho chi phí đầu vào của các doanh nghiệp hoặc các ngành sản xuất cũng giảm. Bên cạnh đó, yếu tố thời tiết chuyển sang mùa thu cũng khiến cho nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm 0,32%; đồng thời, giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực, thực phẩm giảm 0,14%.

Ông Nguyễn Bích Lâm nói: “Năm nay, yếu tố chi phí đẩy tiếp tục giữ lạm phát ở mức thấp, tuy vậy những rủi ro tiềm ẩn về giá xăng dầu khi tăng trở lại là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát. Vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường nhất là các mặt hàng thiết yếu, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường; kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật hiện hành trong kinh doanh xăng dầu, nhất là đối với hệ thống tổng đại lý, đại lý.

Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan phối hợp tốt và hiệu quả trong đề xuất các chính sách liên quan tới lạm phát; tiếp tục phối hợp xây dựng các kịch bản chính sách, đánh giá tác động của các kịch bản như thời gian vừa qua trước khi thực hiện. Bên cạnh đó, thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu cũng rất quan trọng để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”.

Trả lời câu hỏi “CPI tăng thấp có là cơ sở để hạ lãi suất”, ông Nguyễn Bích Lâm cho biết, nếu CPI thấp sẽ tạo điều kiện cho người dân gửi tiền vào hệ thống ngân hàng hoặc trực tiếp đầu tư cho sản xuất. Nhưng nếu khả năng huy động của các ngân hàng không tốt thì có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng mức lãi suất huy động nên CPI tăng thấp chỉ là một yếu tố để Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách.