Covid-19 tác động thế nào đến kinh tế tháng 2-2020?

ANTD.VN - Dịch Covid-19 đã khiến tăng trưởng của không ít lĩnh vực kinh tế giảm, nhưng “bức tranh kinh tế” hiện vẫn còn những mảng màu sáng.

Covid-19 tác động lớn đến nền kinh tế

Samsung S20 "cứu vãn" xuất khẩu

Những con số chính thức vừa được Tổng cục thống kê công bố cho thấy, mặc dù hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, nhưng trong tháng 2-2020, Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm phiên bản mới S20 nên xuất, nhập khẩu 2 tháng đầu năm nay giữ được xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 2 tháng đầu năm 2020 ước tính đạt 74 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4%; nhập khẩu đạt 37,1 tỷ USD, tăng 2,4%.

Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2020 với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm trước; Trung Quốc đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,7%.

Ở chiều nhập khẩu, tuy Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 2 tháng qua với kim ngạch ước tính đạt 10 tỷ USD, nhưng kim ngạch từ thị trường này đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Mức giảm này hiện vẫn thấp hơn với dự báo trước đó vì Covid-19 khiến hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp Việt Nam từ Trung Quốc khó khăn, có thể gây thiếu nguyên phụ liệu sản xuất.

Để khắc phục tình trạng này, hiện các Bộ, ngành đang tiến hành nhiều giải pháp để gia tăng xuất khẩu, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu thay thế các thị trường truyền thống, nhằm giảm thiểu tác động do Covid-19 gây ra.

Nhiều ngành suy giảm

Thực tế cho thấy, Covid-19 hiện tác động tiêu cực nhiều hơn đến nền kinh tế. Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp. Tháng 2-2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 8,4% so với tháng trước. Lý giải về mức tăng này, Tổng cục Thống kê cho biết, do tháng 1-2020 rơi vào Tết Nguyên đán, số ngày nghỉ nhiều hơn, tháng 2-2020 số ngày làm việc nhiều hơn nên IIP tăng.

Do Covid-19, IIP 2 tháng đầu năm chỉ tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019.

Ở lĩnh vực đầu tư, tháng 2 là tháng sau Tết Nguyên đán và chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số nhà thầu chậm triển khai thi công, đồng thời trong các tháng đầu năm hoạt động đầu tư tập trung chủ yếu vào thi công các công trình chuyển tiếp từ năm trước nên nhìn chung tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 2 tháng đầu năm đạt không cao so với kế hoạch năm 2020 (8,3%). 

Cùng với đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 2 tháng ước tính đạt 2,5 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, đây là lần giảm đầu tiên trong giai đoạn 2016-2020.

Tương tự, lĩnh vực vận tải, du lịch, bán lẻ cũng kém sôi động, chịu ảnh hưởng trực tiếp của Covid-19. Trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng đầu năm ước tính đạt 95 nghìn tỷ đồng, chiếm 11% tổng mức và chỉ tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,8%).

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân hạn chế đi lại và ăn uống ngoài gia đình, nhiều hàng quán vắng vẻ hoặc tạm thời đóng cửa.

Bên cạnh đó, việc tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến dịch vụ lưu trú, ăn uống. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 2 tháng so với cùng kỳ năm trước giảm ở hầu hết các địa phương.

Doanh thu du lịch lữ hành 2 tháng đầu năm ước tính đạt 7,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 12,8%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2-2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt khách đến từ một số nước như: Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh. 

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Hai ( từ ngày 21-1 đến 20-2) ước tính đạt 1.242,7 nghìn lượt người, giảm 37,7% so với tháng trước và giảm 21,8% so với cùng kỳ năm trước.

Vận tải hành khách tháng 2 ước tính đạt 400,1 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 15,8% so với tháng trước và luân chuyển 19,8 tỷ lượt hành khách, giảm 14,4%.