"Cơn sốt" vé máy bay giá rẻ: Giá thật không hời như quảng cáo

ANTD.VN - Những tấm vé máy bay “rẻ không tưởng” 13.000 đồng, 79.000 đồng hay thậm chí là 0 đồng luôn có sức quyến rũ đối với bất kỳ hành khách nào đam mê du lịch. Tuy nhiên, nếu không biết những thủ thuật “săn” vé, du khách sẽ dễ bị… hớ bởi những mánh khóe mang tên giá rẻ. 

"Cơn sốt" vé máy bay giá rẻ: Giá thật không hời như quảng cáo ảnh 1Du khách nên chọn lựa các trang web đặt vé uy tín

Cuộc chiến “săn” vé

Đi máy bay rẻ hơn… đi xe khách, đó sẽ là suy nghĩ của nhiều người nếu nhìn những mức giá mà các hãng hàng không đưa ra. Từ 13.000 đồng, 79.000 đồng, 199.000… cho đến  0 đồng, không chỉ những hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar Pacific mà nay những hãng quốc tế như Air Asia, Cebu Pacific Air, Nok Air… cũng tích cực thâm nhập vào “cuộc chiến giá rẻ” để lôi kéo du khách. Tất nhiên, để săn được một tấm vé như vậy là không đơn giản, khi mỗi đợt mở bán có hàng nghìn người chầu chực tại các website, thậm chí mất ăn mất ngủ để giành cho được một tấm vé như ý. 

Tính khốc liệt của việc “săn” vé rẻ nằm ở chỗ nếu chỉ chậm thao tác vài phút thôi, có thể tấm vé này đã rơi vào tay người khác, hoặc người mua phải chấp nhận mua vé với mức giá cao hơn so với giá ban đầu. Đó là chưa kể đến những rủi ro thường trực như đường truyền mạng chậm, hoặc hệ thống thanh toán gặp trục trặc… khiến cho người mua tưởng như đã cầm được chiếc vé trong tay, nhưng cuối cùng lại tuột mất. Nếu không may mắn, khách hàng cũng sẽ gặp sự cố tiền đã chuyển, nhưng vé thì không thấy đâu, vì đường truyền lỗi.

Thủ tục để giải quyết hoàn tiền của các hãng hàng không cũng tương đối phiền phức. Blogger Lê Hiếu, điều hành trang Baynhe.vn chia sẻ, anh không ít lần bị giữ tiền khi thanh toán bằng thẻ tín dụng chỉ vì lỗi giao dịch. Anh cho biết, một số hãng hàng không chỉ chịu hoàn tiền sau… 30 ngày và điều này gây không ít phiền toái cho du khách. Đây là rủi ro song hành khi đặt vé trực tuyến. 

Giá rẻ đương nhiên sẽ đi kèm vô số điểm trừ. Thông thường, các hãng hàng không sẽ áp dụng vé giá rẻ cho những đường bay mới hoặc chỉ vào khoảng thời gian thấp điểm của mùa du lịch, với số lượng vé giới hạn.

Với giá rẻ, người mua không có quyền hoàn vé, hoặc nếu chuyển vé cho người khác thì phải mất chi phí đổi tên. Đó là chưa kể vé máy bay rẻ sẽ bị giảm bớt các dịch vụ đi kèm như ăn uống và đọc báo miễn phí. Trên thực tế, không bao giờ có chuyện một chiếc vé 0 đồng, vì đây là mức giá chưa bao gồm thuế cũng như một số phí dịch vụ gia tăng khác. Nhiều người không biết điều này, cho đến khi được thông báo thì mới ngỡ ngàng, vì giá thật không “hời” như giá quảng cáo. 

Thận trọng với những cái bẫy

Nhận thấy sức hút vô cùng hấp dẫn của những tấm vé 0 đồng, nhiều trang web, đại lý cũng như nhiều cá nhân đã trở thành “cầu nối” trung gian của các cuộc “săn” vé. Bên cạnh những trang bán vé uy tín, nhiều địa chỉ mập mờ mở ra với những lời mời mọc hấp dẫn chẳng hạn như “Săn vé rẻ, không được không mất tiền”, “Vé rẻ cập nhật hàng giây”… thu hút rất nhiều người nhẹ dạ cả tin.

Không ít người vì tham rẻ đã phó thác vào những tay “cò săn vé” mà không biết mình đã rơi vào đường dây lừa đảo. Đáng nói, hình thức lừa đảo này được thực hiện trót lọt bằng các phương pháp đơn giản đến không ngờ. Tháng 4-2016, tại TP.HCM, đối tượng Trương Thị Thu Thảo (SN 1995) bằng thủ đoạn làm vé giả đã chiếm đoạt được khoảng 100 triệu đồng. 

Chiêu thức của đối tượng này là khi có khách nhờ đặt mua vé, Thảo vào trang web bán vé trực tuyến, điền thông tin khách hàng vào trạng thái đặt chỗ, nhưng chưa trả tiền. Khi hãng hàng không gửi lại thông tin vé máy bay điện tử xác nhận đặt chỗ, trạng thái “chưa thanh toán” (vì theo quy định du khách có 24 giờ để thanh toán), Thảo chỉnh sửa dòng này thành “đã xác nhận”, rồi đưa cho khách hàng xem. Người mua nhìn thấy dòng này thì thấy đặt thành công nên gửi tiền cho đối tượng.

Tháng 2-2016, Hãng hàng không Vietnam Airlines đã từng cảnh báo khách hàng về tình trạng vé giả khi có tới 65 trường hợp tại Nhật bị một đối tượng lừa bán vé khứ hồi. Bằng thủ đoạn thúc giục khách hàng thanh toán, cung cấp mã vé giả rồi “xù”, trang web trên đã lừa được rất nhiều người Việt Nam đang sinh sống tại Nhật. 

Đáng nói, nhiều giao dịch chỉ thực hiện qua facebook, email… người mua sẵn sàng gửi gắm tiền của cho “cò” dù không biết mặt hay không có bất cứ thông tin gì về người bán. Và để tránh khỏi tình trạng này, ngoài bỏ túi một vài kinh nghiệm “săn” vé, du khách nên chọn các phòng vé, đại lý chính thức hoặc mua trên website của hãng, tìm hiểu kỹ thông tin, đối chiếu địa chỉ, ngày giờ, tên tuổi trên giấy chứng nhận để bảo đảm các thông tin trùng khớp, chính xác. Hãy tỉnh táo, đừng vì ham rẻ mà trở thành con mồi của những đối tượng “săn” vé trục lợi bất chính.