Cố tình nợ tiền sử dụng đất, sẽ bị dừng thi công

ANTD.VN - UBND TP Hà Nội khẳng định nếu đơn vị nào cố tình chây ỳ nợ thuế phí, tiền sử dụng đất sẽ cưỡng chế, dừng thi công và không cấp phép thêm dự án mới. 

Việc các doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất không chỉ gây áp lực lớn cho ngân sách mà còn tiềm ẩn những rủi ro đối với các khách hàng mua nhà tại các dự án này.

Cố tình nợ tiền sử dụng đất, sẽ bị dừng thi công ảnh 1Dù đã hoàn thành xây thô nhưng Dự án Goldsilk Complex 430 Cầu Am vẫn nợ tiền sử dụng đất

Bán được nhà vẫn nợ thuế

Theo Cục Thuế Hà Nội, đến hết ngày 23-3, có 14 chủ đầu tư dự án còn nợ tiền sử dụng đất, với số tiền 3.242 tỷ đồng. Trong đó, chỉ 9 dự án có khả năng thu, với số nợ 1.565 tỷ đồng; 5 dự án chủ đầu tư có đề xuất tháo gỡ khó khăn, số tiền 1.677 tỷ đồng. 

Trong số này, có nhiều doanh nghiệp chây ỳ nợ thuế nhiều năm với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Đáng nói, trong số các doanh nghiệp dây dưa nghĩa vụ tài chính có những tên tuổi lớn trong ngành xây dựng như Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao, Công ty CP Đầu tư Hải Phát, Công ty TNHH Cầu 1 Thăng Long, Tổng Công ty HUD, Vinaconex 2, Công ty CP Bất động sản Hanovid...

Nguyên nhân các doanh nghiệp viện dẫn cho tình trạng chậm nộp tiền sử dụng đất là do khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp có dòng tiền thu về nhưng vẫn chưa tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế.

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Nguyễn Thế Mạnh, trong số 14 dự án đang nợ tiền sử dụng đất, có cả những dự án đã hoàn thành, bán hàng, thậm chí bán hàng rất tốt nhưng vẫn không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Điển hình như: Trung tâm thương mại văn phòng và nhà ở tại Trung Hòa của Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển công nghệ cao; Công trình hỗn hợp Pandora của Công ty TNHH Liên doanh ô tô Hòa Bình; Dự án Goldsilk Complex tại 430 Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông của Công ty CP Bất động sản Hanovid … 

Hiện Cục Thuế Hà Nội đã cưỡng chế tài khoản và hóa đơn theo quy định đối với 5 dự án nợ đọng trên 90 ngày, gồm: dự án tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân) của Tổng Công ty Thành An, nợ 252 tỷ đồng; tòa nhà hỗn hợp AZ Sky của Công ty TNHH Đá quý thế giới, nợ 99 tỷ đồng; Khu chức năng đô thị Đại Mỗ của Công ty CP Đầu tư địa ốc ALASKA, nợ 240 tỷ đồng... 

Kiên quyết không để nhờn luật

Trên thực tế, việc các doanh nghiệp nợ đọng tiền sử dụng đất tiềm ẩn những rủi ro đối với các khách hàng mua nhà tại các dự án này. Cụ thể, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico, khách hàng nhiều khả năng sẽ không được cấp “sổ đỏ”, vì vậy sẽ không thực hiện được các giao dịch như mua bán, thế chấp, tặng cho... 

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, hiện nay, khách hàng mua nhà đa phần không quan tâm đến việc chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước chưa. “Nguyên nhân do thiếu hiểu biết, thiếu thông tin hoặc thậm chí nếu có quan tâm, có thông tin thì cũng chưa chắc đã an toàn, vì có thể thời điểm mua chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ thuế nhưng sau này lại nợ” - vị luật sư cho biết. 

UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm cam kết về thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất, đơn vị nào không nộp tiền nợ như cam kết, thành phố sẽ cưỡng chế, ngừng thi công, kiên quyết không cấp phép dự án mới. 

Vì vậy, theo luật sư Trương Thanh Đức, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp kiên quyết vì các dự án nhà ở liên quan đến những khoản tiền rất lớn của người dân, đến an sinh xã hội. “Thành phố phải có những biện pháp mạnh như không cấp phép, không cho triển khai xây dựng đối với các dự án không hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Nếu để xây dựng rồi mới cưỡng chế dừng thi công thì cũng đã muộn vì nhà đã bán hoặc hợp tác kinh doanh với ai đó”.

Để đẩy mạnh việc thu hồi nợ đọng thuế, mới đây, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu nợ đọng thuế. UBND TP Hà Nội cũng đã tổ chức nhiều buổi làm việc trực tiếp với các chủ đầu tư dự án, chủ doanh nghiệp để quán triệt, chỉ đạo đôn đốc nộp tiền nợ thuế vào ngân sách Nhà nước theo quy định. 

Tại các buổi làm việc, bên cạnh việc lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố cũng kiên quyết yêu cầu các doanh nghiệp nợ đọng chây ỳ nộp ngân sách Nhà nước theo đúng quy định. UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị phải thực hiện nghiêm cam kết về thời hạn trả nợ tiền sử dụng đất, đơn vị nào không nộp tiền nợ như cam kết, thành phố sẽ cưỡng chế, ngừng thi công, kiên quyết không cấp phép dự án mới. 

Với những biện pháp quyết liệt, đến nay, 14 doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất đã nộp vào ngân sách hơn 1.000 tỷ đồng trong tổng số tiền nợ. Hiện nay, Cục Thuế Hà Nội đã công khai danh sách các doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền sử dụng đất trên website của Cục, khách hàng khi giao dịch với các doanh nghiệp có thể tìm hiểu thông tin để tránh rủi ro.