Cơ quan quản lý ở đâu?

ANTĐ - Bán hàng đa cấp xuất hiện ở Việt Nam khoảng gần 20 năm trở lại đây và có tốc độ tăng trưởng “ấn tượng” cả về quy mô lẫn doanh số.

Cơ quan quản lý ở đâu? ảnh 1Minh họa: Internet

Theo thống kê của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), đến nay số đơn vị đăng ký kinh doanh đa cấp là 65, số người tham gia đa cấp lên tới khoảng 1,2 triệu người, tức là khoảng hơn 1% dân số - một con số khổng lồ so với hầu tất các ngành nghề khác. Tuy nhiên, con số này còn bị ngờ là chưa đầy đủ, vì theo Hiệp hội Bán hàng đa cấp thì số hội viên tham gia Hiệp hội đã lên tới hơn 100 đơn vị. 

Trên thế giới, và ngay cả ở nước ta, kinh doanh đa cấp hay bán hàng theo mạng sau nhiều tranh cãi thì đều đã được pháp luật công nhận. Điều đáng nói là thay vì sinh lợi nhuận bằng việc kinh doanh các sản phẩm thì rất nhiều doanh nghiệp bán hàng đa cấp ở Việt Nam chỉ chú trọng lôi kéo càng nhiều người tham gia nộp tiền vào mạng lưới, dùng chính tiền người vào sau để trả hoa hồng cho người vào trước… chứ hầu như không có sản phẩm để bán.

Vì những hoạt động mập mờ đó, Luật Cạnh tranh năm 2005 đã chính thức đưa bán hàng đa cấp vào điều chỉnh. Vậy nhưng từ đó đến nay, những hệ quả xấu mà bán hàng đa cấp mang lại cho xã hội lại ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhắc đến đa cấp, người ta nghĩ ngay đến những phi vụ đổ vỡ cả nghìn tỷ đồng, làm xáo trộn cả những vùng quê yên bình, hàng nghìn gia đình tan nát, lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì đầu tư, thậm chí vay nợ để đầu tư vào đa cấp và bị lừa.

Hàng loạt mạng lưới đa cấp đã bị cơ quan công anh đánh sập vì hoạt động lừa đảo, như Công ty MB24, Tâm Mặt Trời, Cộng đồng Việt... và mới đây nhất là Liên kết Việt, Vipha, mỗi doanh nghiệp này có quy mô lừa đảo lên tới cả chục nghìn người với hàng trăm, nghìn tỷ đồng.

Vì sao nhiều người “say máu” và nhanh chóng bị sập bẫy đa cấp như vậy? Câu trả lời được nhắc đến nhiều nhất là lòng tham và sự thiếu hiểu biết của người dân.

Điều đó là tất nhiên. Nhưng còn trách nhiệm của cơ quan quản lý, cụ thể là Cục Quản lý cạnh tranh ở đâu, khi mà trong tầm kiểm soát của họ chỉ có 65 doanh nghiệp, nhưng hàng loạt sai phạm chỉ bị phát hiện và xử lý khi quy mô lừa đảo đã lên đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng? Tại sao những vi phạm trắng trợn như Công ty Liên kết Việt mạo danh Bộ Quốc phòng, làm giả các Bằng khen, Giấy khen, các clip với những thông tin sai phạm đầy rẫy, công khai trên website doanh nghiệp này lại không bị phát hiện sớm.

Khi bị chất vấn về vấn đề này, thì lại là cách giải thích vòng vo, tránh trách nhiệm. Lãnh đạo Cục Quản lý cạnh tranh cho rằng việc phát hiện sai phạm trong kinh doanh đa cấp là rất khó khăn vì hình thức bán hàng này thông qua truyền miệng nên rất khó kiểm soát thông tin được đưa ra. Và rằng cơ quan quản lý không hề chậm trễ trong việc phát hiện, xử lý vi phạm tại hệ thống kinh doanh đa cấp Liên kết Việt.

Cụ thể là tháng 7-2015, tức là chỉ sau 7 tháng Liên kết Việt hoạt động, Cục Quản lý cạnh tranh đã vào cuộc kiểm tra hoạt động của công ty này. Qua kiểm tra, điều tra, Cục đã xử phạt vi phạm hành chính 570 triệu đồng. Tuy nhiên trên Đài Truyền hình quốc gia, khi được hỏi vì sao đã phát hiện sai phạm và xử lý doanh nghiệp này, Cục không thông tin rộng rãi và cảnh báo đến người dân, ông Cục trưởng lại cười trừ.